Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

'Chính Nhà nước đẩy phim truyền hình vào tình trạng báo động'

 Thực trạng và giải pháp cho chất lượng phim truyền, câu chuyện tưởng như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn có nhiều ý kiến đáng để suy ngẫm.

Nói đến phim truyền hình dở, người ta nghĩ ngay đến những nguyên nhân kịch bản, nhân lực, kinh phí, nhà sản xuất (NSX)… Tuy nhiên, trong buổi hội thảo do hội điện ảnh TP HCM tổ chức sáng ngày 7/6, nhiều nhà chuyên môn đã thẳng thắn “vạch mặt” thủ phạm: Cơ chế.
“Tội đồ” cơ chế
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định: “Phim truyền hình xuống cấp là do cơ chế của đài. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ”. Theo anh, không nên trách nhà sản xuất vì họ kinh doanh thì phải tính toán làm sao có lời. Trong khi cơ chế mua phim là cào bằng, tối đa 200 triệu đồng/tập, đó là chưa kể kinh phí tới tay người làm phim phải qua bao nhiêu cửa, tiền sẽ rơi rụng bớt. Đa phần các nhà làm phim ban đầu cố gắng chịu lỗ hoặc không lời để có sản phẩm tốt xây dựng thương hiệu. “Nhưng lỗ một vài lần thì được chứ ai chịu lỗ hoài chỉ để có cái danh”, đạo diễn nói.

Bộ phim truyền hình Chủ tịch tỉnh mới công chiếu
“Trên lý thuyết, không phải cứ có nhiều tiền mới làm được phim hay. Nhưng mỗi năm làm cả ngàn tập phim mà cái nào cũng “liệu cơm gắp mắm” làm sao được. Cũng giống như mình ăn mỗi ngày toàn thịt cá, lâu lâu ăn đậu phụ, mắm tôm thì thấy ngon, chứ cả năm ăn đậu phụ mắm tôm không thì chết”, Nguyễn Quang Dũng lập luận. Vì thế, theo đạo diễn này, cơ chế khoán một mức cào bằng và không cao, không có khoản thu nào sau sản phẩm, thì đương nhiên dẫn đến hệ lụy là phim xuống cấp. Làm hay để làm gì vì làm hay cũng bấy nhiêu đó tiền. Vấn đề là họ không có nguồn lời từ chất lượng sản phẩm, mà nguồn lời duy nhất của họ là phải tiết kiệm chi phí. Cho nên người giỏi cũng hóa dở hoặc chạy trốn, người dở không có uy tín thì không có gì để mất, sợ gì mà không làm, NSX này chết thì có NSX khác nhảy vào, còn nhà đài ở thế thượng phong muốn giao ai thì giao.
Nhà văn Tô Hoàng thì lấy câu “tiền nào của nấy” để lý giải cho sự kém chất của phim Việt. “5, 6 triệu đồng/tập phim thì chỉ tìm được nhà biên kịch “chim sẻ” thôi. Hãy trả 10, thậm chí 20, 30 triệu/tập, lập tức sẽ tìm được người chuyên nghiệp”, ông nói. Tương tự với diễn viên, cát sê thấp thì tội gì phải nghiền ngẫm kịch bản, phân tích tính cách, học thuộc lời thoại. Với đạo diễn, tiền chỉ có thế thì phải làm ẩu, làm vội thôi. Còn với NSX, giá mua phim thấp buộc họ phải tiết kiệm, giảm thiểu chi phí mới mong có lời. Và ông đi đến kết luận: “Chính Nhà nước đã đẩy phim truyền hình vào tình trạng đáng rung chuông báo động như hiện nay”.
Đâu là lối thoát?
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề nghị một cơ chế mà người làm ra sản phẩm tốt sẽ được hưởng lợi. Anh cho rằng đài truyền hình chỉ cần chia lợi nhuận một mức hợp lý là NSX tự biết cách làm phim hay để thu hút quảng cáo. Cơ chế này khác với cơ chế hiện nay: NSX kiếm lời từ việc tiết kiệm chi phí, cạnh tranh giảm giá và kể cả có quan hệ cá nhân.  
Chất lượng phim truyền hình phụ thuộc nhiều vào cơ chế
 Nhà biên kịch Thuỳ Linh đề xuất: “Thay vì đài đặt hàng, các NSX chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm của họ và đem chào bán cho các đài. Có thế mới loại khỏi sân chơi những nhà sản xuất thiếu nghề và vô trách nhiệm”. Suy cho cùng, đề xuất này cũng trở về vấn đề cơ chế. Liệu đài truyền hình có sẵn sàng trả giá cao cho những phim đạt chất lượng hay lại áp dụng cơ chế cào bằng, để đến nỗi phim có kinh phí lớn không tìm được đầu ra?
Còn nhà văn Tô Hoàng bày tỏ thái độ “giận dỗi”: “Cứ để mặc tình trạng sa sút, kém cỏi của phim truyền hình tồn tại. Tự nó sinh ra khách, tự nó sẽ đuổi khách đi. Tự nó tạo vốn quay vòng và tự nó dần cạn vốn như con lạc đà giữa sa mạc. Tự nó mở đường và tự nó đâm đầu vào ngõ cụt”. Trước thông tin VFS (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam tại TP.HCM) hứa sẽ làm một loạt phim mới về chất, khác hẳn những phim đã ra lò trong thời gian qua, ông kết luận có phần cay nghiệt: “Vẫn đồng tiền đầu tư ấy, vẫn những người hành nghề cũ, họ sẽ làm cuộc cách mạng ấy bằng ý muốn chủ quan và quyết tâm suông hay sao đây?”

 Kim Vân - Theo báo Đất Việt

3 nhận xét:

  1. Thời đại nào cũng thế, giới văn sĩ luôn là những người tiên phong, nhiệt thành, thẳng thắn.
    Cái tội của "ông cơ chế" này nhiều người đã thấy, tuy nhiên chưa biết phải "xử" thế nào khi mà còn phải e dè kết tội...?

    Trả lờiXóa
  2. Phim kém chất lượng, vậy là do "ông cơ chế"!
    Kém chất lượng ở đây có nghĩa chúng ta đã bị thất thoát tiền của, thời gian, lòng tin cũng như trách nhiệm xã hội(có phim dùng tiền tài trợ nhưng dù sao cũng là tiền).
    Trách nhiệm này rõ là ông cơ chế chịu, thế còn hậu quả, tác động của nó thì ông cơ chế hay ai phải chịu?...

    Trả lờiXóa
  3. Lại nói về ông cơ chế,
    Nguyên bộ trưởng bộ giao thông vận tải Đào Đình Bình đã cay đắng thốt lên: "Cơ chế cũ, ai làm bộ trưởng thay tôi cũng mắc khuyết điểm"
    Ông cơ chế cũng sinh ra các tập đoàn nhà nước, sinh ra Vinashin...
    Va cuối cùng là nhân dân, là đất nước ghánh chịu.
    Tại sao họ lại phải chịu, tại sao những hậu quả đó lại đổ đầu họ?
    Trả lời: Tùy các bác!

    Trả lờiXóa