ĐẢNG CSVN ?

Luật Về Đảng Ở VN - Cần Thì Rất Cần Nhưng Vướng

Gần đây trên báo điện tử Vietnamnet và nhiều báo khác có mở ra diễn đàn xây dựng Luật về Đảng. Trong đó đã có nhiều bài viết, trao đổi của những học giả, nhà khoa học có uy tín về vấn đề này, đặc biệt là các bài viết, trao đổi của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, TS. Nguyễn Đình Lộc.

Dưới góc độ khoa học, cá nhân tôi cho rằng trước khi xây dựng luật này, cần phải bàn luận thêm và giải đáp thỏa đáng 3 câu hỏi:

1. Luật về Đảng được xây dựng trên cơ chế nào?

2. Nội dung chính của đạo luật đó là gì?

3. Nếu mục đích là phân định rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, Chính phủ và Tòa án thì sẽ phân định thế nào?

Thứ nhất, Đảng cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp 1992). Vì thế đương nhiên Quốc hội chịu sự lãnh đạo của Đảng. Theo qui định của Hiến pháp, cơ quan duy nhất có quyền ban hành luật là Quốc hội (Điều 84 Khoản 1 Hiến pháp 1992). Điều mâu thuẫn thấy ngay là cơ quan chịu sự lãnh đạo lại ban hành luật qui định cho tổ chức lãnh đạo mình. Điều này về cơ sở lý luận là mâu thuẫn.

Thứ hai, nếu có đặt ra luật thì người ta cũng có quyền hoài nghi rằng luật đó chỉ là những qui ước không có chế tài và không có cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức Đảng. Chế tài nòng cốt và là hạt nhân quan trọng nhất trong Luật về Đảng thường thấy ở các nước là việc giải tán, hoặc cấm đảng phái vi hiến hoạt động. Điều này là bất khả thi trong thể chế nhất nguyên ở Việt Nam.

Thứ ba, có học giả cho rằng Luật này nếu ra đời có thể phân định được rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, Chính phủ và Tòa án. Vậy xin hỏi luật này sẽ phân định quan hệ giữa Đảng với Quốc hội và Tòa án thế nào khi thực tế có hơn 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên (8,72% đại biểu là người ngoài Đảng)[1] , thẩm phán là Đảng viên? Một người cụ thể sẽ „phân thân“ chức năng thế nào khi vừa là Đảng viên, vừa là Đại biểu Quốc hội hay vừa là Đảng viên vừa là Thẩm phán?

Tóm lại, tôi cho rằng cần phải xem xét nhiều tiêu chí và mở rộng tranh luận kĩ lưỡng về vấn đề này.

Thiết thực hơn và cũng ít tốn kém hơn theo kinh nghiệm thường thấy ở nhiều nước là bước đầu hiện nay ta nên sửa Luật tổ chức Chính phủ và các văn bản khác có liên quan theo hướng:

Làm rõ sự gắn kết vai trò của Đảng và của Chính phủ trong lập chính sách, làm rõ cơ chế bất tín nhiệm.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ hai bộ phận thuộc Chính phủ: đó là bộ phận lập chính sách (Gubernative - bộ phận gắn bó mật thiết vai trò của Đảng với vai trò của Chính phủ, gồm có thủ tướng [nhiều nước là thủ lĩnh Đảng cầm quyền] và các Bộ trưởng) với bộ phận hành chính (Administration - bộ phận thi hành luật).

Làm được điều này sẽ đạt được hai mục đích:

Vai trò của Đảng trở về đúng với ý nghĩa là tổ chức hoạch định chính sách, tránh được tình trạng can thiệp vào chức năng của Quốc hội hay Tòa án.
Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Chính phủ cũng vì thế mà trở nên rành mạch, vừa có hiệu lực (do Thủ tướng và các Bộ trưởng tập trung đúng chức năng là lập chính sách), vừa có hiệu quả (do tăng tính chuyên nghiệp trong thi hành luật).

ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà nội

Hiến Pháp 1946 Và Vấn Đề Tổ Chức Quyền Lực Nhà Nước

Bài viết dưới đây của tác giả phân tích những nét độc đáo trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước của bản Hiến pháp năm 1946.

1. Hiến pháp 1946 là hiến pháp không theo bất kì một nguyên mẫu theo cách tổ chức quyền lực nào đã có sẵn trong lịch sử

Hiến pháp 1946 ghi nhận thành quả của Cách mạng Việt Nam, thể hiện tinh thần đại đoàn kết rất sâu sắc: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".

Sau tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, thành lập Nghị viện nhân dân, Nghị viện là nơi thể hiện rõ nét chủ quyền của nhân dân: "Nghị viện là cơ quan có quyền cao nhất". Đến đây, ta thấy nó gần giống hình thức Cộng hòa Đại nghị. Nhưng Điều 43 lại khẳng định: "Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa", điều đó có nghĩa rằng cơ quan hành chính là một cơ quan độc lập. Chưa hết, Hiến pháp năm 1946 không qui định trách nhiệm của Chủ tịch nước trước Nghị viện, mà khẳng định: "Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc". Đến đây, ta lại thấy với thiết chế Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu nhà nước đại diện về đối nội, đối ngoại; nhưng cũng là người đứng đầu Chính phủ, và không chịu bất kì trách nhiệm gì trừ tội phản quốc. Qui định này lại cho ta thấy đặc điểm này lại mang dáng dấp của hình thức Cộng hòa Tổng thống.

Điều đặc biệt là sau khi cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 thành công, một bản Hiến pháp rất nổi tiếng có hiệu lực ở Liên xô thời điểm đó là Hiến pháp năm 1936, là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không lấy bản Hiến pháp này là khuôn mẫu khi xây dựng Hiến pháp 1946.

2. Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp duy nhất mạnh dạn đặt ra vấn đề cân bằng quyền lực:

Đặc tính căn bản của lập pháp chính là ở tính cẩn trọng. Cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực (check and balance) là một cơ chế hữu hiệu để tăng cường sự giám sát, kiểm tra chéo giữa các cơ quan, chống nguy cơ lạm quyền.

Điều 31 qui định: "Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch nước phải ban bố". Đây là qui định thể hiện dấu ấn khá rõ về sự kiểm soát lẫn nhau của hai nhánh quyền lập pháp và hành pháp.

Cơ chế cân bằng quyền lực còn được thể hiện rõ ở Điều 59: "Trong thời hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm nội các thì Chủ tịch nước có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại...Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức". Đây là qui định độc đáo chỉ có trong Hiến pháp 1946, các bản Hiến pháp sau này không thể hiện rõ cơ chế Nội các phải từ chức này. Triết lý của vấn đề không phải ở việc Chính phủ bị mất tín nhiệm, mà ở chỗ nó thể hiện rõ chủ quyền thuộc về nhân dân. Nếu chính phủ không xứng đáng, chính phủ phải bị giải tán.

3. Khác với các bản Hiến pháp khác, về phương diện tổ chức quyền lực, Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp thể hiện rất rõ vai trò và trách nhiệm cá nhân:

Hiến pháp 1946 đặt ra vấn đề Bộ trưởng phải được Nghị viện tín nhiệm, nếu không đuợc tín nhiệm thì phải từ chức. Chưa hết, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội Các. Tập thể Nội các không phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi của Bộ trưởng, điều đó muốn nhấn mạnh vấn đề cá nhân Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.

4. Về tổ chức chính quyền địa phương, cơ chế tản quyền được áp dụng khá nhuần nhuyễn và hiệu quả

Ở cấp kỳ và cấp huyện không tổ chức Hội đồng nhân dân. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được cấp trên phê chuẩn. Hội đồng nhân dân ở địa phương theo cơ chế tản quyền không nhất thiết phải được thành lập ở tất cả các cấp. Càng nhiều cấp Hội đồng nhân dân thì tiếng nói của người dân càng bị khúc xạ, luật pháp của nhà nước ở trung ương ban hành ra phải qua 4 cấp mới xuống được đến người dân. Chỉ ở hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã điều đó cho thấy sự tài tình của nhà lập hiến trong việc giải quyết xung đột giữa tính quyền lực nhà nước ở địa phương và tính chất tự quản.

5. Hiến pháp 1946 là Hiến pháp duy nhất khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân

Có thể khẳng định rằng Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần "nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" rõ nét nhất.

Hiến pháp 1946 không có một điều nào qui định quyền lập hiến thuộc về Quốc hội. Trong chương cuối cùng về sửa đổi hiến pháp, có một điều kiện bắt buộc về mặt thủ tục: "Sau khi đã được nghị viện ưng chuẩn, Hiến pháp phải đưa ra toàn dân phúc quyết". Điều đáng tiếc là chưa một lần trong lịch sử, chúng ta đưa ra để toàn dân phúc quyết.

Vậy có hai khả năng lập luận được đặt ra:

1. Nếu coi Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, thì tất cả các Hiến pháp còn lại là Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 hiện hành đều VI HIẾN vì vi phạm về trình tự, thủ tục xây dựng Hiến pháp và đương nhiên đến nay Hiến pháp 1946 vẫn còn hiệu lực trên thực tế.

2. Nếu coi Hiến pháp 1946 không phải là bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc vì lý do lịch sử đã được Nghị viện thông qua nhưng chưa đưa ra toàn dân phúc quyết, thì chúng ta phải chấp nhận một thực tế đau sót là quyền lập hiến chưa bao giờ là thuộc về nhân dân. Người dân Việt Nam chưa bao giờ biết đến quyền phúc quyết một văn bản pháp lý có hiệu lực quan trọng nhất là Hiến pháp. Từ Hiến pháp 1959 trở đi Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền ban hành và sửa đổi Hiến pháp. Phải chăng đây chính là một trong những lí do mà từ đó đến nay, chưa đầy nửa thế kỷ Hiến pháp - một văn bản pháp luật cần tính ổn định hơn cả đã bị sửa đi sửa lại nhiều lần? Liệu đã có một chủ nghĩa lập hiến ở nước ta?

ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà nội
http://tuanhsl.blogspot.com/

Đọc toàn bài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét