Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

"CÙNG NGƯ DÂN BÁM BIỂN"

Từ hàng ngàn năm nay, Biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
Trên vùng biển ấy, những người ngư dân, hàng ngày đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mình tận tuỵ làm ăn và giữ gìn như một không gian sinh tồn không thể thiếu của các dân tộc Việt Nam. Có thể nói, sự hiện diện của khối đồng bào ấy, trong truyền thống lên rừng, xuống biển của tổ tiên chúng ta, cũng là sự khẳng định vị thế chủ quyền của nước ta trên biển.

Các thế hệ ngư dân Việt Nam một mặt phải chống chọi thường xuyên với giặc trời, mặt khác nhiều phen họ còn phải đối mặt hết sức nguy hiểm với giặc nước là thế lực ngoại bang tham lam xâm phạm vùng biển của chúng ta, đe doạ, phá nhiễu, thậm chí là cướp bóc đời sống hoà bình, ổn định và thành quả lao động vất vả của đồng bào ta. Trong hoàn cảnh đó, với ý chí mạnh mẽ của truyền thống yêu nước, thương nhà, bà con ngư dân vẫn kiên trì bám trụ trên biển, bằng lao động khó nhọc của mình, lớp cha trước, lớp con sau, đời nối đời, chấp nhận hy sinh, mất mát giữ gìn vững chắc chủ quyền tổ quốc trên biển.

Nhưng so công sức và sự hy sinh to lớn ấy, có thể nói, đời sống đồng bào ta trên biển còn nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Gần đây, ngư dân ta trong việc làm ăn, sinh sống trên biển lại càng gặp nhiều khó khăn, khi mà mức độ thiên tai nhiều hơn, nhất là, vùng biển bạc thiêng liêng ấy nhiều lần bị Trung Quốc xâm phạm, đưa cả tàu to, lực lượng chuyên nghiệp vào uy hiếp, cướp bóc trắng trợn. Nhiều phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, các ngư trường truyền thống của ngư dân ta bị cướp phá. Cộng thêm vào đó, trong điều kiện thiếu thốn về kỹ năng và tri thức hội nhập, nhiều ngư dân ta cũng bị thiệt hại trong các tranh chấp trên biển.

Trước tình cảnh này, nhiều nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân đã được thể hiện để chia sẻ, góp sức thiết thực cùng bà con ngư dân vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển chiến lược biển, củng cố và bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, đặc biệt là chăm lo cho đời sống của ngư dân.

Nhằm góp sức cùng với những nỗ lực phong phú của các tầng lớp nhân dân, theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và của đông đảo bạn đọc, báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – tổ chức của những nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – tổ chức của những doanh nghiệp và doanh nhân ưu tú và quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) phát động chương trình Cùng ngư dân bám biển.

Chương trình là một hoạt động xã hội tự nguyện nhằm chăm lo cho đời sống bà con ngư dân, nhất là bà con ngư dân vùng biển xa, cổ vũ thiết thực, nâng cao ý chí và trách nhiệm xã hội góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc. Chương trình là một cam kết trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bằng nét đẹp của truyền thống đồng bào Việt Nam yêu nước, thương nhà. Chương trình được tổ chức dài hạn, theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch.

Chương trình có các nội dung hoạt động như sau:

1. Hỗ trợ tài chính cho ngư dân khôi phục sinh kế và bảo đảm an toàn nghề biển: đóng góp tài chính để cho bà con ngư dân gặp nạn vay với lãi suất ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất; mua bảo hiểm tài sản, sinh mạng cho ngư dân. Chương trình phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông địa phương và cộng đồng ngư dân giới thiệu tuyển chọn đối tượng được hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng xúc tiến thủ tục giải ngân, chi trả.

2. Chăm lo sức khoẻ, dinh dưỡng và việc học cho con em bà con ngư dân, trước mắt tập trung vùng đảo xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động thăm viếng tặng quà cho đối tượng này. Xây dựng học bổng giúp hỗ trợ con em ngư dân theo đuổi việc học. Tài trợ cho giáo viên, nhân viên y tế phục vụ bà con đảo xa. Xây dựng học bổng khuyến khích thanh niên theo học các nghề khai thác biển.

3. Phối hợp cùng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) xây dựng đội cứu hộ tự quản phục vụ bà con ngư dân hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa (mua sắm tàu, phương tiện, địa phương tổ chức lực lượng tự quản nhằm ứng cứu tai nạn trên biển).

4. Cung cấp thông tin, kiến thức pháp lý, huấn luyện kỹ năng bảo đảm hoạt động an toàn trên biển.

5. Đưa hàng Việt Nam về với ngư dân.

Trước mắt, chương trình sẽ triển khai trên địa bàn bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó, rút kinh nghiệm và triển khai tiếp trên các địa bàn khác. Chương trình dự kiến sẽ khởi động các hoạt động từ ngày 25. 6.2011.

Đây là một chương trình dài hạn có ban chỉ đạo là lãnh đạo báo, hội, câu lạc bộ và quỹ EDF và ban điều hành hoạt động thường xuyên, sử dụng tài khoản của quỹ EDF và báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Với mong muốn được góp một phần tấm lòng và công sức nhằm biểu thị tinh thần yêu nước, đóng góp củng cố niềm tin để đồng bào ngư dân kiên trì bám biển, cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn, ban tổ chức chương trình rất hạnh phúc khi tiếp nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và đóng góp thiết thực của quý vị.

Cùng ngư dân bám biển là một hành động thiết thực khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vốn là ý thức thiêng liêng, không dễ gì lay chuyển của các tầng lớp đồng bào ta.

Trân trọng cảm ơn
ĐẶT MUA ÁO THUN ỦNG HỘ NGƯ DÂN:
KÍCH VÀO ĐÂY

Đọc toàn bài!

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

THƯ THỨ 2 GỬI ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH, GĐ CÔNG AN TP HÀ NỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——*——
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011

Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Nhanh
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

1.Chúng tôi những người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ghi nhận và hoan nghênh Công an thành phố Hà Nội (CATPHN) đã không sử dụng vũ lực đối với người tham gia biểu tình yêu nước trong buổi sáng Chủ nhật 24/7/2011 vừa qua.

2.Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc một số nhân viên an ninh đã ngấm ngầm hoặc công khai gây phiền nhiễu sinh hoạt bình thường của một số công dân nhằm ngăn cản họ thực hiện quyền biểu tình được Hiến pháp quy định.

3. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra trong hai cuộc biểu tình tự phát gần đây đã bị CATPHN trấn áp, đặc biệt là cuộc biểu tình diễn ra sáng ngày 17/07/2011. Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Giám đốc CATPHN trả lời trước công luận về mấy nội dung sau:

a. Căn cứ theo quy định nào của Pháp luật, CATPHN đã bắt giữ người mà không có lệnh hợp pháp trong cuộc biểu tình ngày 17/07/2011 (ít nhất 46 người).

b. Bức ảnh bốn Công an “khiêng” một công dân trong cuộc biểu tình trên đã được nhiều hãng thông tấn Quốc tế truyền tin khắp thế giới. Công dân này bị “khiêng” đến một chiếc xe buýt và một nhân viên an ninh mặc thường phục trên xe buýt đã dùng chân đạp vào mặt, miệng công dân đó nhiều lần. Video Clip về cảnh này cũng được truyền khắp trên Internet.

Hiện nay, quần chúng nhân dân đã xác định được danh tính của nhân viên an ninh trong video clip nói trên là Minh, đội phó đội an ninh, công an quận Hoàn Kiếm.

Chúng tôi đề nghị Ông chỉ đạo xác minh thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sai thì công bố để không ảnh hưởng đến uy tín của CA TPHN. Nếu việc xác định của nhân dân là đúng thì anh Minh có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự). Hành vi của anh Minh thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, cụ thể: anh Minh, 1) Là người có chức vụ, quyền hạn; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vũ lực trái công vụ, gây thiệt hại về thể chất và nhân phẩm cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân; 3) Phạm tội với lỗi cố ý, với động cơ coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, chà đạp, cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Minh phạm tội với hai tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d và điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.

Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Sự tha thứ cao thượng của người bị hại (nếu có) đối với người phạm tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải là lý do để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Nếu Ông không giải quyết sớm văn thư này, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cấp cao hơn sẽ xử lý cá nhân anh Minh và những vị lãnh đạo khác có liên quan của Công an Quận Hoàn Kiếm và CA TPHN.

Kính chào Ông!

Những công dân Việt Nam tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông tại Hà Nội ký tên:
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Duy Hiển
Nguyễn Nguyên Bình
Chu Hảo
Trần Nhương
Phạm Xuân Nguyên
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Trần Kỳ Trung
Nguyễn Xuân Diện
Lê Dũng
Nguyễn Tiến Nam
Hoàng Cường
Đặng Bích Phượng









Nguồn: Anh Ba Sàm
Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

XIN ĐỪNG ĐẠI DIỆN CHO NHÂN DÂN CHÚNG TÔI

Xin chúc mừng tân chủ tịch Quốc Hội ông Nguyễn Sinh Hùng, tân Chủ Tịch Nước, tân Thủ Tướng...!
      500 đại biểu đáng kính "đại diện" cho nhân dân khắp các vùng miền trên cả nước nô nức lai kinh, tụ hội về Thăng Long ngàn năm văn hiến để "lo toan" việc nước. Thật tiếc thay... Nhân dân chúng tôi chỉ thấy hình ảnh của một nông trại lớn.
Hình chỉ mang tính minh họa
Xin đừng nhận là đại diện cho nhân dân chúng tôi nhé! Quý vị chỉ có thể đi trên một con đường đã được vạch vôi từ trước. Cũng chẵng biết nó sẽ dẫn tới đâu?
Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

"LÁ GAN NGHỊ SĨ"

       "Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế, khi Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các Nghị quyết về một vùng biển, cách họ nửa bán cầu, thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là: "Liệu Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự?". Câu hỏi này đáng lẽ là thừa. Thừa nhưng lại là cần thiết, khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền, liên tục bác bỏ sự tồn tại, trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng"...
-----------------------------------
Điều gì mà nhân dân quan tâm khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (QH) Khoá XIII khai mạc. Nhân sự cao cấp?. Không!. QH chưa khai mạc, nhưng danh sách từ "Tứ trụ Triều đình", mười mấy vị Bộ trưởng đã được "Thông tấn xã Vỉa hè" (TTXVH) loan tin từ trước (dù đây là câu chuyện “Mật của Mật”).

Cứ theo thông lệ Việt Nam mình, thì tin TTXVH trúng đến 99,99%. Không có gì khó hiểu, khi QH thực chất chỉ quyết theo những gì Trung ương đã quyết, chẳng bao giờ sai được. Có ai đó muốn hỏi Trung ương là ai thì xin xem lại Điều 4 của Hiến pháp.


Nhân sự là câu chuyện không thuộc về dân chúng. Ai! Ở đâu!... - Cũng là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng có 2 vấn đề QH không thể không bàn đến (tất nhiên nếu còn tồn tại thực sự, với nghĩa là "Cơ quan dân cử" và các "Nghị sĩ là đại diện cho nhân dân"). Đó là lạm phát và vấn đề chủ quyền Biển đảo.

Có lẽ, Chính phủ giờ rất dễ... văng tục, khi có bất cứ ai đó nói tới bất cứ gì đó liên quan đến Lạm phát. Chẳng hạn, có bị chất vấn thì thế nào cũng “Nguyên nhân là câu chuyện khách quan. Phía trước là tương lai tươi sáng”... Sáng đến đâu chưa biết, nhưng 1 thực tế không thể chối cãi, là lạm phát 6 tháng đã gấp đôi chỉ tiêu. Những con số rất... khó tiêu này, lại cần phải được đặt trong bối cảnh là đã 6 năm qua, lạm phát liên tục ở mức 11-12%. Chỉ tiêu có ý nghĩa gì?. Nghị quyết cuối cùng là để làm gì?. Khi lạm phát biến tiền lương thành giấy vụn và các con số nghèo đói, bần cùng hoá ngày càng tăng lên.

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, trong bài trả lời báo chí cách đây 2 tuần đã khẳng định rằng: "Lạm phát, nói cho cùng, không phải là vì nền kinh tế nhỏ bé, mà là do điều hành". Sẽ rất khó nghe nếu dung từ... bất lực. Nhưng thực tế là, Chính phủ đã... bất lực trước lạm phát. Một sự... bất lực đã kéo dài trong suốt thời kỳ... mãn dục 6 năm qua.


Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế, khi Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các Nghị quyết về 1 vùng biển cách họ nửa bán cầu, thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là: "Liệu QH Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn Nghị sự". Câu hỏi này đáng lẽ là thừa.

Thừa nhưng lại là cần thiết, khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền, liên tục bác bỏ sự tồn tại trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng. Hôm qua, ông Vũ Mão, nguyên một Quan chức cấp cao của QH cho rằng: Đưa vấn đề Biển Đông ra trước QH là việc làm “cần thiết”, “đúng đắn”, và “như vậy mới đảm bảo tính kịp thời”. Ông Mão cũng cho rằng: “Sản phẩm phải là 1 Nghị quyết”. 1 Nghị quyết để các Nghị sĩ có thể ngẩng cao đầu. 1 Nghị quyết để nhân dân hiểu được trách nhiệm và thái độ của QH, trước 1 vấn đề hệ trọng của đất nước.


Nhưng (vẫn phải viết ra 1 chữ "nhưng"), nhiều khả năng Chính phủ sẽ chỉ có 1 "Báo cáo về Công tác Bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, liên quan đến tình hình biển Đông", để “các Đại biểu QH tự nghiên cứu”.

Sẽ lại là một nụ cười đồng loã với lạm phát?. Sẽ lại là sự trật tự trong im lặng với tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn?... - Điều này phụ thuộc vào lá gan của các Nghị sĩ, dù quyền miễn trừ đối với những phát biểu công khai trên Nghị trường, vẫn là bất biến. Một QH thực sự xưng là "đại diện", không thể lảng tránh những vấn đề người dân quan tâm.


Trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược (hồi cuối tháng 5/2011), đã xuất hiện hình ảnh của ông Huỳnh Tấn Mẫn. Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫn - 1 biểu tượng cho "Phong trào Học sinh sinh viên", dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, người 11 lần ra toà, 6 năm trong lao tù.

Trong "Hồi ký không tên" của Lý Quý Chung (Chánh Trinh), Dân biểu đối lập Nghị viện Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin có nói đến cuộc trao đổi tù binh tại phi trường Lộc Ninh: Tù nhân sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, một người Cộng sản, đã từ chối việc trao trả anh cho Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam với lý do anh không phải là người của Mặt trận.

Từ chối tự do để tiếp tục ở lại (dù ngay sau đó bị đưa trở lại nhà giam), để đấu tranh cho hoà bình, cho dân tộc. Một con người như thế, giờ nếu “xuống đường”, cũng chỉ là vì ông tiếp tục lý tưởng, mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời.

Trong bài phỏng vấn ông Vũ Mão, có 1 câu hỏi về việc “người dân muốn về bày tỏ thái độ trước vấn đề chủ quyền ở Biển Đông với các hình thức như thời gian gần đây”. Ông Mão nói thẳng quan điểm cá nhân: "Các cấp lãnh đạo cần phải trân trọng lòng yêu nước của người dân. Cần phải có nơi để người dân bày tỏ".

Thiếu sót nhất trong bài phỏng vấn, được đăng tải trên tờ Dân Việt (1 thiếu sót, dù biết nhưng không thể không chấp nhận), là một chữ “Nguyên”. Ông Mão trả lời với tư cách “Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội".Nguyên nhân là tại... LÁ GAN.

Nguồn: Đào Tuấn Blog(trình bày: Mai Thanh Hải Blog
Đọc toàn bài!

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

NGUYỄN SINH HÙNG

Chợt nghe tin ông Nguyễn Sinh Hùng có thể được đãm nhận chức chủ tịch Quốc Hội Việt Nam khóa 13 mà tôi lạnh cả xương sống! Việt Nam rồi sẽ về đâu? Những dấu ấn mà ông Hùng để lại trong thời gian qua là sự bất an trong dư luận. Ông thể hiện là con người nói mà thiếu suy nghĩ hoặc khả năng suy nghĩ rất hạn chế. Như dân gian gọi là nói cho sướng mồm...Một người như vậy đã và đang làm phó Thủ tướng và có thể sẽ làm chủ tịch Quốc Hội!
Gió đông
Dưới đây xin điểm lại vài câu nói bất hủ của ngài Phó thủ tướng để mọi người xem thử đóng góp của Ngài cho sự khó khăn hiện nay của Việt Nam lớn đến chừng nào.

1. “Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 6/3/2008 nld.com.vn

2. “Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng”. qdnd.vn

Đây là khẳng định của ngài PTT Nguyễn Sinh Hùng tại Lễ kỷ niệm ba năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) ngày 19/3/2008

Khi ngài PTT nói 2 câu trên thì chỉ số giá chứng khoán đang đứng ở mức khoảng trên dưới 600 điểm, sau thời điểm ngài PTT phát biểu thì mọi người đều biết giá chứng khoán đã đi xuống một lèo và đáy thực sự của TTCK là khoảng 220 điểm.

3. “Tôi thì vẫn chưa lo”. Ngày 8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010, thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra (đương nhiên là ông không phải lo rồi, có mất gì tiền của ông đâu mà ông lo). dantri.com.vn

4. “Việt Nam không thể không làm đường sắt cao tốc” Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 12/6/2010 vneconomy.vn

Sau đó Quốc hội đã bác dự án xây dựng ĐSCT. Vậy theo ông Hùng thì Quốc hội đã đi ngược lại xu thế đi lên của đất nước?

5. “GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 – 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi”. “Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm 2050″. Ngài PTT giải thích về những lo ngại của các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực làm ĐSCT. vneconomy.vn

Không hiểu ngài PTT lấy con những con số trên từ những cơ quan tham mưu nào, dùng tỷ giá hối đoái là bao nhiêu chứ TS Nguyễn Văn Tuấn khi tính trực tiếp bằng đồng USD thì cho ra con số bé hơn nhiều. Tới năm 2050 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ vào khoảng 5400 USD chứ không thể là 20.000 USD như ngài nói: Nguyenvantuan.net

6. “Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp”. vneconomy.vn

Câu này gần giống y với câu của cựu Thủ tướng thời Việt nam Cộng hòa, Trần Văn Hương là: “Trị hết tham nhũng thì lấy ai mà làm việc”. Tư tưởng này đã được quán triệt đầy đủ trong việc Bộ Chính trị cho rằng Vinashin làm thất thoát 4,5 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP của Việt Nam là chuyện nhỏ, không đáng xử lý kỷ luật ai cả (lưu ý tính về tỷ trọng GDP thì thất thoát từ Vinashin bằng với trận động đất, sóng thần lịch sử đã làm tan hoang Nhật Bản vừa qua).

7. "Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn”. Trả lời than thở của Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008: “Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt”. http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/04/779904/

Và ông Hùng thể hiện quyết tâm này bằng việc quyết liệt ký ban hành văn bản cho phép Vinashin được huy động 20.000 tỷ đồng, trong đó quan trọng nhất là đã chỉ định hay nói đúng hơn là ép các ngân hàng phải cho Vinashin vay 10.000 tỷ trong thời điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó khăn vì thiếu vốn. Xin hỏi 10.000 tỷ này bây giờ đã bốc hơi đi đâu rồi, chừng này đủ để kỷ luật ông được chưa? Các ngân hàng phải khoanh nợ và giãn nợ cho Vinashin, mỗi ngân hàng ngàn tỷ bị chôn vốn ở đó thì họ đã được giải cứu bằng cách nào để không bị phá sản? Có phải NHNN đã phải in tiền ra để tái cấp vốn cho các ngân hàng này? Và đó có phải là 1 trong những nguyên nhân đẩy lạm phát hiện nay lên rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại? vneconomy.vn

Trên đây chỉ là vài tổng kết chưa đầy đủ về những câu nói bất hủ của ông Sinh Hùng, người đã gọi các DNNN là “anh cả đỏ của nền kinh tế” rồi cho rằng nhà nước nuôi các DNNN ba năm để dùng một giờ. Xin thử hỏi trên khắp thế giới này là doanh nghiệp làm ra tiền để nuôi nhà nước hay nhà nước làm ra tiền để nuôi doanh nghiệp? Và kết quả kinh doanh của các con cưng “anh cả đỏ” và các “cú đấm thép” đã đấm vỡ mặt người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam này như thế nào có thể đọc bài này là rõ: baodatviet.vn

Cùng với người đồng sự tốt mã là sếp của ông, ông lúc nào cũng hô hào phải “quyết liệt” thực thi các chính sách này nọ. Xin thưa các ông, trong nền kinh tế thị trường thì cách thức điều hành là phải chủ yếu dựa trên các qui luật thị trường, đặt ra các khuyến khích đúng đắn cho các tác nhân trong nền kinh tế để tự họ làm là chính chứ không phải suốt ngày ban hành các chỉ đạo, chỉ thị, cầm tay chỉ việc theo kiểu duy ý chí. Không thể điều hành nền kinh tế theo kiểu chụp giựt, ngắn hạn theo kiểu “đi tắt đón đường” rồi cho rằng “làm công tác điều hành cũng như người ra trận” (toancanh.tamnhin.net) như các ông được. Tại sao các nước ngay kế Việt Nam như Thái Lan, Malaysia trong thời gian gần đây chả phải “quyết liệt” điều hành gì cả mà kinh tế vĩ mô của họ ổn định, lạm phát thấp? Lúc nào cũng hô hào “quyết liệt” như các ông chả qua chỉ là thùng rỗng kêu to, càng “quyết” nhiều thì chỉ tổ càng làm đất nước “liệt” đi nhanh hơn thôi. Trong nhiệm kỳ của Chính phủ 5 năm qua liên tục xảy ra lạm phát cao, kinh tế bất ổn. Vẫn những con người với trình độ đó, vẫn những tầm tư duy đó (chưa nói tới những sự tham lam đó) lại tiếp tục nắm giữ các vị trí điều hành chủ chốt của Việt Nam thì đã có thể thấy trước tương lai của kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới sẽ như thế nào rồi.
Nguồn: Viet-studies.info
Đọc toàn bài!

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

"VÔ TÌNH PHÁT TÁN LUỒNG GIÓ ĐỘC" TRÊN BÁO QĐND

“Đáng buồn hơn, có người là nhà báo, bình thường vẫn tác nghiệp, viết bài theo chuẩn mực chính thống cho đăng lên báo của mình. Nhưng rồi, ở phía sau, qua blog cá nhân, chính họ lại có những bài viết khác, bộc lộ những thông tin với quan điểm hoàn toàn trái ngược, thậm chí cả những “bí mật” mà lẽ ra với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, họ không nên công bố”.
Nguyễn Văn Minh
Cái mà tác giả Nguyễn Văn Minh cho là theo “chuẩn mực chính thống”, theo tôi nếu chỉ có mặt này thì đó lại chính là mặt giả dối của của các nhà báo! Còn cái mặt trái kia mới là cái thật tâm của họ với nghề, với bản thân, với xã hội. Cứ nói theo “xếp”, theo lãnh đạo là thực tâm sao?
Con người chúng ta phải thích nghi với điều kiện sống của mình! Một mặt để thể hiện tâm hồn, một mặt là để mưu sinh. 
Gió Đông
Vô Tình Phát Tàn Luồng Gió Độc?

QĐND - Mấy năm gần đây, xuất hiện hiện tượng một số văn nghệ sĩ, nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý... lập blog cá nhân và nổi tiếng từ blog với lượng truy cập không kém gì báo điện tử. Tuy nhiên, không ít người đã để cho blog của mình trở thành nơi phát tán những luồng gió độc, gây hại cho xã hội và cộng đồng...

Vô tình hay cố ý?

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam tính đến cuối tháng 11-2010 là 27,3 triệu người, chiếm khoảng 31,7% dân số. Trong đó, theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu blog và số lượng này không ngừng tăng lên. Với tư cách là một trang ghi chép cá nhân trên internet, việc tạo lập dễ dàng, miễn phí, có thể đưa được nhiều bài, ảnh, phim, nhạc, tạo diễn đàn... blog có sức hút rất lớn.

Song cũng chính từ đây, đã có không ít blog đã trở thành nơi phát đi những luồng gió độc. Bên cạnh những bài có nội dung tốt có không ít bài với nội dung xấu, thiếu đúng đắn cả về lập trường chính trị, văn hóa; lời lẽ có khi không khác một tờ báo hải ngoại phản động. Một nhà thơ khá nổi tiếng lập ra một blog với 13 chuyên mục khác nhau, có nhiều thông tin rất đáng đọc, nhiều bài khá hay. Nhưng thật tiếc, thỉnh thoảng trong vườn hoa nhiều sắc màu ấy lại len lỏi những cây nấm độc. Có khi là một bài báo kích động hận thù dân tộc, có khi lại là một bức thư ngỏ kèm lời bênh vực một nhân vật phạm pháp, thậm chí có cả những bài với nội dung rất xấu độc được “copy” về từ một trang web hải ngoại.

Chủ nhân của những blog kiểu như trên, có cả những người hiện vẫn đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội hoặc các cơ quan báo chí. Đáng buồn hơn, có người là nhà báo, bình thường vẫn tác nghiệp, viết bài theo chuẩn mực chính thống cho đăng lên báo của mình. Nhưng rồi, ở phía sau, qua blog cá nhân, chính họ lại có những bài viết khác, bộc lộ những thông tin với quan điểm hoàn toàn trái ngược, thậm chí cả những “bí mật” mà lẽ ra với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, họ không nên công bố. Không ít người, bản chất vốn không phải là người xấu và cũng không hề có quan hệ với các thế lực phản động nhưng chỉ vì sĩ diện cá nhân, muốn được nổi tiếng thông qua blog, muốn blog của mình cũng có “số má” bằng lượng truy cập lên tới hàng triệu lượt nên đã cố tình tìm kiếm, đưa những thông tin giật gân, hậu trường chính trị, lá cải... mà không lường hết hậu quả của chúng.

Thật đáng tiếc, hiện nay, trên nhiều trang web, diễn đàn phản động từ nước ngoài, các thế lực thù địch đã “đánh hơi” thấy sự nở rộ các loại blog kiểu này và lập tức quảng bá, giới thiệu một loạt danh sách các blog “hot” từ Việt Nam. Trong danh sách mà chúng cho là “cùng hội cùng thuyền” đó, thật đáng buồn có cả những văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước. Họ có thể không hề tiếp tay cho các thế lực đó, song đã bị lợi dụng bởi những bài viết vô tình phát đi “luồng gió độc”.

Bài học quản lý, lương tâm và trách nhiệm

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, trong đó có các quy định rõ đối với việc quản lý blog và cũng đã có một vài chủ blog phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật nhưng thế giới blog hiện vẫn là “miền cỏ hoang” cần thanh lọc hơn nữa. Vẫn biết rằng, blog là môi trường mang tính tự do cá nhân cao và hoạt động của các văn nghệ sĩ, nhà khoa học cũng đòi hỏi tư duy độc lập sáng tạo, mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân... nhưng không thể vì thế mà để blog trở thành nơi tùy tiện phát đi những nội dung xấu độc. Hiện nay, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” xung quanh vấn đề này. Ở Việt Nam, có tới 70% người dùng sử dụng blog từ nhà cung cấp Yahoo và hiện nay, một số lượng lớn khác sử dụng từ nhà cung cấp Google. Tuy nhiên, hai nhà cung cấp này lại đều là nhà cung cấp nước ngoài, chưa phải chịu những cam kết phối hợp quản lý chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước.

Có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý từ những nước từng quản blog “rất chặt” như Trung Quốc và Ma-lai-xi-a, họ đều yêu cầu chủ nhân blog công bố danh tính, nơi ở cùng nhiều quy định chặt chẽ khác. Gần đây, đã có bạn đọc phản ánh việc có blog yahoo 360plus đưa tin phản động. Bạn đọc đã dùng chức năng báo cáo của blog 360plus để báo cáo về những blog này, nhưng cả 5 lần thực hiện đều không thấy phản hồi mà nhà cung cấp lại gửi bản tin tự động yêu cầu phải báo cáo bằng... tiếng Anh và theo luật pháp của... Xin-ga-po, do nhóm phát triển dịch vụ nằm ở Xin-ga-po. Đó là điều vô lý vì yahoo plus là một sản phẩm chỉ dùng cho thị trường Việt Nam, do Yahoo Việt Nam quản lý thì phải tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam. Không thể để các nhà cung cấp đứng ngoài cuộc và thiếu trách nhiệm như vậy!

TS Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS từng cho biết, về mặt kỹ thuật, hoạt động của những chủ nhân blog trong nước, nếu tham gia những việc phạm pháp, dù tinh vi đến đâu cũng đều có thể bị phát hiện nhờ biện pháp kỹ thuật. Thế nhưng, với những blog có “rác đen”, “nấm độc” mà chúng tôi đề cập trong bài viết này, ranh giới giữa vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái lương tâm, đạo lý đôi khi là khá mong manh. Có thể có những sai phạm do vô tình, có thể có những sai sót chưa đến mức độ truy cứu pháp luật.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là mỗi chủ nhân blog, nhất là với danh dự, uy tín của người nổi tiếng, càng phải đề cao trách nhiệm trước cộng đồng, trước xã hội cũng như trước cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác. Chỉ có sự tự giác “tự thanh lọc” của họ mới là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất giúp blog không còn “nấm độc”.

Về phía các cơ quan, đoàn thể, hội nghề nghiệp... cũng cần phải quan tâm hơn trong việc quản lý blog cá nhân thành viên trong đơn vị mình, nhất là khi có nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý. Ở một khía cạnh khác, cùng với xử lý, ngăn chặn cái xấu thì đã đến lúc biểu dương, khen thưởng những blogger nổi tiếng và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, nhân lên nhiều blog hay và đẹp cũng là việc cần làm.

NGUYỄN VĂN MINH
Nguồn: Báo QĐND

Đọc toàn bài!

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

QUYỀN CON NGƯỜI!

NHÂN DÂN BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC LẦN 7( NGÀY 17/07/2011)
Ảnh:  Dân Làm Báo
Hôm nay nhân dân ta lại xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc lần thứ 7 liên tiếp tại Hà Nội, đây là những diễn biến rất tích cực trong bối cảnh đời sống chính trị xã hội Việt Nam rơi vào hoàn cảnh túng quẩn, bế tắc. Con người trong bể sự mưu sinh, lo toan cuộc sống...họ còn là chủ thể của các mối quan hệ xã hội, có tư duy, có lý tưởng, có ý chí. Đó là sự khác biệt giữa con người và các loài vật cùng tồn tại trên thế giới này. Bầy cừu, cuộc sống của chúng chỉ là kiếm ăn để tồn tại, ăn no rồi thì nghỉ ngơi đùa nghịch cho đến khi thấy đói. Tuy nhiên sự tồn tại của chúng cũng không hẳn đã đơn giản như vậy, chúng còn là nguồn cung cấp lông, thịt cho con người...

Trong xã hội loài người cũng có nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau. Ở mỗi nước cũng có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên chúng ta phải hướng đến để đạt được quyền tối thiểu đó là quyền con người: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”_Hồ Chí Minh.
Không ai có thể tước đoạt những quyền cơ bản ấy. Chúng ta phải cùng nhau bảo vệ và phát huy quyền cơ bản của mình. Chúng ta không thể sống như bầy cừu!
Bắt Người biểu tình Ảnh: Ba Sàm
Bắt người biểu tình đưa về Mỹ Đình Ảnh: Dân Làm Báo
Ảnh: N.X.D Blog
Xin cảm ơn các anh, xin cảm ơn những con người đã dũng cảm tiên phong thể hiện lý tướng, ý chí của mình! Thật khó mà tin được chúng ta đang ở thế kỷ 21.
Gió Đông
Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

DANH SÁCH THÀNH PHẦN CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI

Chúc các bạn có những khoảng thời gian thư giãn và có ý nghĩa!
Thông tin sưu tầm này có thể chỉ để thỏa trí tò mò của bạn, tuy nhiên ở đó cũng bao hàm cả vận mệnh đất nước, chứa đựng cả tương lai sáng lạng hay u ám cho dân tộc Việt Nam.
Nhân dân chúng ta là những người ngoài cuộc?
Danh sách thành phần Chính phủ Việt Nam trình QH :
1- Tứ trụ:
TBT Nguyễn Phú Trọng
(thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
2- Các thành viên Chính phủ:
TT: Nguyễn Tấn Dũng (nguyên TT)
Các PTT:
Nguyễn Thiện Nhân (nguyên PTT)
Hoàng Trung Hải (nguyên PTT)
Vũ Văn Ninh (nguyên BT Tài chính)
Nguyễn Xuân Phúc (nguyên Bộ trưởng CNVPCP)

BT Ngoại giao Phạm Bình Minh (nguyên Thứ trưởng BNG)
Bộ trưởng Quốc phòng: Phùng Quang Thanh (nguyên BTQP)
Bộ trưởng Công an: Trần Đại Quang (nguyên TT)
Bộ trưởng Y tế: Nguyễn Thị Kim Tiến (nguyên TT)
BT – Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam (nguyên BT tỉnh Quảng Ninh)
Bộ trưởng Công thương: Vũ Huy Hoàng (nguyên BT)
Bộ trưởng Tài chính: Vương Đình Huệ (nguyên Tổng kiểm toán NN)
BT Lao động thương binh & Xã hội: Nguyễn Thị Hải Chuyền (nguyên PCN Ủy ban kiểm tra Trung ương)
Bộ trưởng Nông nghiệp: Cao Đức Phát (nguyên BT)
BT Tài nguyên: Nguyễn Minh Quang (nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương)
BT Nội vụ: Nguyễn Thái Bình (nguyên TT)
BT GTVT: Đinh La Thăng (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam)
BT Xây dựng: Trịnh Đình Dũng (nguyên TT)
BT TT&TT: Nguyễn Bắc Son (nguyên phó trưởng ban tuyên giáo trung ương)
BT Văn hóa Thể thao và Du lịch: Hoàng Tuấn Anh (nguyên BT)
BT Khoa học Công nghệ: Nguyễn Quân (nguyên Thứ trưởng thường trực)
BT Tư pháp: Hà Hùng Cường (nguyên BT)
BT Kế hoạch & Đầu tư: Bùi Quang Vinh (Bí thư tỉnh ủy Lào Cai)
BT GD&ĐT: Phạm Vũ Luận (nguyên BT)
Thống đốc Ngân hàng: Nguyễn Văn Bình (nguyên Phó Thống đốc)
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Giàng Seo Phử (nguyên CNUBDT)

Quốc Hội:
CT Nguyễn Sinh Hùng
PCT:
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguyễn Văn Giàu
Huỳnh Ngọc Sơn
Uông Chu Lưu

Theo rfa.org
Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

TÔI KHÔNG TIN

Nhà PBVH Phạm Xuân Nguyên xuống đường biểu tình yêu nước, sáng 12.6.2011. Ảnh: Mai Kỳ
 Thú thật, khi viết bài này tôi phải đắn đo nhiều. Bởi nó dễ đụng chạm đến suy nghĩ đã thành nếp ở rất nhiều người. Dù sao, đây cũng là tiếng nói của thảo dân. Ở một góc độ nào đó - Không nói (im lặng) cũng là có tội!

Tôi không tin- không có nghĩa là mất niềm tin. Người ta bảo, mất danh dự thì còn có thể (phục hồi) lấy lại được. Nhưng mất niềm tin là mất hết.

Tôi không tin, những người không đi biểu tình trong 5 chủ nhật liên tiếp vừa qua là những người không yêu nước. Vì sao họ không đi? Bởi mỗi người biểu thị lòng yêu nước mỗi khác. Nhưng cũng có người vì họ sợ hoặc họ chờ. Trên chưa ra lệnh thì...hãy đợi đấy! Bảo làm thì làm, bảo đi thì đi, bảo đứng là đứng. Thụ động, ỷ lại ghê gớm. Chả trách cải cách hành chính cứ ì ạch mãi. Riêng đối với cán bộ công chức làm công ăn lương, cái sợ lớn nhất của họ là ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh, đến miếng cơm manh áo. Không cẩn thận họ dễ bị quy chụp “làm trái với chủ trương, đường lối chính sách của nhà nước” hoặc bị “các thế lực thù địch xúi giục”. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, rắp tâm xâm lược Việt Nam. Một tổ chức đoàn thể chính thống kêu gọi, họ sẽ kéo nhau đi ùn ùn. Đọc toàn bài!

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

CẢM THƯƠNG NHỮNG TÂM HỒN ÁI QUỐC

Lời tác giả Khuyết Danh: Xin cụ Nguyễn Đình Chiểu tha thứ cho con vì đã mượn tinh thần bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ để vịnh cảnh nước nhà.
Xin những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong một tháng qua ở khắp mọi miền của Việt Nam và trên thế giới hãy tha thứ cho tôi vì đã dùng âm hưởng văn tế để bày tỏ niềm yêu mến và sự cảm phục của tôi đối với những hành động ái quốc của các anh chị. Văn tế ở đây đã được chuyển nghĩa, không phải thể văn dùng tế người chết, mà có ý nghĩa tôn vinh trong nỗi buồn, tự đáy lòng.
****************
Hỡi ơi!
Hoàng Sa – Trường Sa biển rền, lòng dân trời tỏ.

Bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biển, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung, tuy bị cấm ngăn mà tiếng vang như mõ.

Nhớ năm xưa
Cui cút làm ăn,
Toan lo nghèo khó

Chưa quen đả đảo, đâu biết tự do
Chỉ biết âm thầm bài vở, mưu sinh; việc học việc thi vốn đã quen làm
Tập hô, tập nói, tập đối phó cơ động, an ninh, mắt chưa từng ngó.

Bóng giặc chập chờn hải đảo, nỗi lo xâm lược phập phồng đã mấy mươi năm, trông tin quan như trời hạn mong mưa
Mùi “4 tốt”, “16 chữ” vấy vá đã bao lần, ghét thói đại Hán gian thâm như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy tàu hải giám cắt cáp Bình Minh, muốn tới ăn gan
Ngày xem tàu ngư chính bắt nạt Viking, muốn ra cắn cổ.

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này ra sức tuần hành
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay cứu nước.

Khá thương thay:
Vốn chẳng được cảm thông, ủng hộ, tự phát mà đứng lên
Chẳng qua tức nước, vỡ bờ, vị nghĩa ra lời tuyên cáo
Tự giương khẩu hiệu, trật tự ôn hòa, nào đợi tập rèn
Bốn chủ nhật biểu tình, hồn hậu suy tư, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật mong manh áo vải, nào đợi được lệnh cấp trên,
Trong tay cầm biểu ngữ chống xâm lăng, chi nài đề tên ghi tuổi

Chiều tối về chong đèn đọc sách, hiểu thêm bi kịch nhãn tiền
Sáng ngày theo dõi báo chí đưa tin, theo sát tình hình đất nước

Chi nhọc quan quản dùi cui, còi huýt, đạp dây thừng lướt tới, coi nguy hiểm như không
Nào sợ dân vệ, công an, hàng nối hàng, lịch lãm chưa từng có.

Trẻ già hát Quốc ca, đả đảo giặc Tàu, làm cho Ích Tắc, Chiêu Thống hồn kinh
Anh trước chị sau, hừng hực niềm tin, trối kệ lời loa kêu giải tán.

Những năm lòng nghĩa lâu dùng
Đâu biết dân tình khốn khổ.

Một chắc xuống đường rằng ái quốc, nào hay bị “nhắc nhở”, cầm chân
Trăm năm tâm sự người ưu dân, nào đợi quyền trên cho phép.

Đoái trông Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, đồng thanh phẫn uất
Ngoái nhìn Melbourne, Tokyo, Paris, du học sinh Việt Nam ào ào phản đối xâm lăng.
Chẳng phải vì bị xúi giục, cho tiền, lợi dụng mà chống bọn bành trướng Bắc Kinh
Vốn chẳng liên quan gì đến phường Việt gian, phản động mà biểu tình làm loạn.

Chỉ bởi nghĩ rằng:
Tấc đấc ngọn rau ơn nước, tài bồi cho mỗi dân ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến nhân dân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương;
Vì ai xui non nước tan tành, chia năm xẻ bảy?
Vì ai để giáo dục suy đồi, cương thường đổ vỡ
Vì ai mấy chục nghìn tỉ của dân chìm theo Vinashin
Vì ai tham nhũng lan tràn, gian trá lên ngôi
Chẳng lẽ triều đình khứ dân, ai người mãi quốc?...

Sống làm chi theo quân tà đạo, tùy tiện cho thuê rừng, dâng nguồn bauxite, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi luồn cúi bá quyền, ham nhân công Tàu, nhập siêu hàng Trung Hoa, nghe càng thêm hổ.
Nay thót tim nghĩ đến phố Trung Quốc ở Ninh Bình
Mai tím mặt Bình Dương mở Đông Đô Đại Phố…

Thà đặng câu địch khái, noi theo cha chú cũng vinh
Hơn chịu chữ Tàu gian, ở với “man di” rất khổ.

Ôi thôi thôi!
Nửa thác Bản Giốc năm canh sao vắng lặng, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Bãi Gạc Ma một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo sóng cả.

Đảo Lý Sơn, mẹ già ngồi khóc con trai, ngọn đèn khuya leo lét vạn chài
Miền Phú Yên, vợ thảng thốt chờ chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi!
Mỗi đợt tuần hành
Trăm năm nhắc nhở.

Binh tướng nó liệu có đóng ở Trường Sa, Hoàng Sa, ai làm cho bốn phía mây đen;
Chính phủ lặng lẽ “giao hảo song phương”, ai cứu đặng một phường con đỏ.

Nước mắt anh hùng, giọt thương đời lau chẳng ráo, lo vì hai chữ tự do
Tuyên cáo nhân sĩ, lửa trí thức thắp nên thơm, cám bởi một câu dân chủ
Mùa hạ năm Tân Mão, thời khắc lịch sử hồn thiêng tiên tổ trở về
Giữa sóng trào biển Đông, dân tộc ta vươn mình đạp bằng quân xâm lược.

Ai nấy đều tin
Hiên ngang cùng bước!

KHUYẾT DANH
Nguồn: Viet-studies.info

Đọc toàn bài!