TỰ DO NGÔN LUẬN

Vì Sao Phải Có Tự Do Ngôn Luận
Bạn đã nhìn thấy gì trong bức ảnh này?
Bạn hãy dành khoảng 1 phút và nhìn vào bức hình trên.

Bạn đã thấy gì trong đó?

Có người sẽ nói rằng đó là một phụ nữ trẻ tuổi, có người phản đối nói rằng không, đó là một bà cụ.

Qua tranh luận, người ta mới phát hiện ra rằng thực chất đây là hình vẽ có tính mô phỏng, nhìn kĩ bạn sẽ thấy "cằm của người phụ nữ trẻ tuổi trong một góc nhìn khác đồng thời là mũi của một bà cụ".

Nữ văn sĩ người Pháp Anais Nin đã nói rằng: “chúng ta không nhìn mọi vật như chúng vốn có, chúng ta thường nhìn mọi vật theo cách chúng ta là ai” ("We don't see things as they are, we see things as we are").

Cùng là một con bò. Một cậu bé sinh ra ở quê, quen với đồng ruộng nghĩ ngay đến "sức kéo". Một cậu bé sinh ra ở thành phố hay được bố cho đi ăn nhà hàng sẽ nghĩ ngay rằng: "À, con bò này mà làm món bò bít tết thì ngon tuyệt". Một cậu bé sinh ra trong gia đình làm kinh doanh sẽ nghĩ rằng: "Con bò này ít cũng phải hai chục triệu".

Trên thực tế luôn tồn tại ba điều được coi là “sự thật”:

1. có sự thật của bạn,

2. có sự thật của tôi và

3. có sự thật của khoa học

Vấn đề chẳng qua là bạn là ai, đang đứng ở đâu để tiếp cận vấn đề mà thôi.

Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm ra được cái thứ ba, cái mà tôi tạm gọi là “sự thật của khoa học”, nếu như bạn cho rằng chỉ có duy nhất một sự thật đó là sự thật là của bạn hoặc tôi cũng cho rằng chỉ có duy nhất một sự thật là sự thật của tôi.

Chúng ta chỉ tìm ra "sự thật của khoa học" khi có sự tôn trọng quan điểm lẫn nhau và suy xét vấn đề một cách toàn diện. Tôn trọng mọi quan điểm kể cả đó là những quan điểm khác biệt, cũng chính là đang tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Tại sao chúng ta lại cần phải có tự do ngôn luận? Vì thiếu tự do ngôn luận thì cũng không có sự xuất hiện đa dạng các quan điểm, và nếu như không có sự đa dạng các quan điểm, khoa học khi ấy sẽ rơi vào bế tắc.

Cách đây hơn ba thế kỷ quyền tự do ngôn luận[1] - một trong những quyền con người có giá trị nhất của nhân loại đã được chính thức ghi nhận tại Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp: „Việc tự do thể hiện ý tưởng và quan điểm là một trong những quyền con người có giá trị nhất; mỗi một công dân có thể tự do nói, viết và thể hiện quan điểm, miễn sao có trách nhiệm không lạm dụng quyền tự do này vào những trường hợp cụ thể mà pháp luật đã qui định.“[2]

Trên phương diện luật pháp quốc tế, năm 1948 quyền tự do ngôn luận đã được qui định ở Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: „Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do bảo lưu các ý kiến mà không chịu sự can thiệp nào và bao gồm cả việc được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông phi biên giới.“ [3]

Ở Cộng hòa liên bang Đức, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức cũng đã khẳng định ý nghĩa của quyền tự do ngôn luận: „Quyền tự do ngôn luận là sự thể hiện trực tiếp nhất yếu tố cá nhân con người trong một xã hội đặt quyền con người lên vị trí tối thượng. Quyền này được thiết lập vì một trật tự nhà nước tự do dân chủ"[4]; „Trong một nhà nước dân chủ thì một ý kiến cho dù có trái với những ý kiến được nhiều người thừa nhận từ trước thì ý kiến đó vẫn phải được bảo vệ“[5]; "Quyền này ra đời mục đích để chống lại sự can thiệp của nhà nước, đặc biệt trong việc tranh luận về các vấn đề chính trị có liên quan đến các đảng phái, Nghị viện hay Chính phủ. (…) Trái với một chế độ độc tài, việc kiểm duyệt từ phía nhà nước trong một nền dân chủ thực sự phải bị cấm hoàn toàn.”[6].

Tóm lại, tự do ngôn luận là một giá trị văn minh của nhân loại. Thiếu tự do ngôn luận, bạn sẽ chỉ nhìn thấy sự thật của riêng bạn, còn tôi sẽ chỉ nhìn thấy sự thật của riêng tôi. Chúng ta không tôn trọng nhau, không tôn trọng ý kiến của nhau thì tất yếu chúng ta cũng không bao giờ có cơ hội tìm ra được những sự thật khoa học đích thực.

NMT

[1] Thuật ngữ tự do ngôn luận trong bài viết này hiểu theo nghĩa rộng, tức là quyền được tự do thể hiện ý tưởng của cá nhân (Meinungsfreiheit - freedom of expression) không chỉ dưới dạng lời nói, mà cả chữ viết hay hình ảnh hoặc bất cứ loại phương tiện truyền tin nào. Tự do ngôn luận theo nghĩa của bài viết rộng hơn cách hiểu tự do ngôn luận chỉ tồn tại dưới dạng lời nói (Redefreiheit/ Freedom of speech), tự do ngôn luận cũng hoàn toàn khác với tự do tư tưởng (Freedom of thought/ conscience). Vấn đề tự do tư tưởng, không thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức cụ thể, không thuộc phạm vi bài viết này.

[2] Nguyên bản Tiếng Pháp: „La libre communication des pensées et des opinions est un des droits les plus précieux de l'homme : tout citoyen peut donc parler, écrire, imprimer librement, sauf à répondre de l'abus de cette liberté, dans les cas déterminés par la loi.“. Dịch Tiếng Đức: „Die freie Äußerung von Meinungen und Gedanken ist eines der kostbarsten Menschenrechte; jeder Bürger kann also frei reden, schreiben und drucken, vorbehaltlich seiner Verantwortlichkeit für den Missbrauch dieser Freiheit in den durch das Gesetz bestimmten Fällen“. Tiếng Việt: „Việc tự do thể hiện ý tưởng và quan điểm là một trong những quyền con người có giá trị nhất; mỗi một công dân có thể tự do nói, viết và thể hiện quan điểm, miễn sao có trách nhiệm không lạm dụng quyền tự do này vào những trường hợp cụ thể mà pháp luật đã qui định“. (NMT)

[3] Nguyên bản Tiếng Anh: “Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers”; Dịch Tiếng Đức: „Jeder Mensch hat das Recht auf freie Meinungsäußerung; dieses Recht umfasst die Freiheit, Meinungen unangefochten anzuhängen und Informationen und Ideen mit allen Verständigungsmitteln ohne Rücksicht auf Grenzen zu suchen, zu empfangen und zu verbreiten“; Dịch Tiếng Việt: „Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do bảo lưu các ý kiến mà không chịu sự can thiệp nào và bao gồm cả việc được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông phi biên giới.“ (NMT)

[4] Nguyên bản „Das Grundrecht auf Meinungsfreiheit ist als unmittelbarster Ausdruck der menschlichen Persönlichkeit in der Gesellschaft eines der vornehmsten Menschenrechte überhaupt. Für eine freiheitlich-demokratische Staatsordnung ist es schlechthin konstituierend.“ (BVerfGE 7, 198 (208) – Lüth).

[5] Nguyên bản Tiếng Đức: „Jede Meinung, auch die von etwa herrschenden Vorstellungen abweichende, schutzwürdig“ Nguồn: BVerfGE 33, 1 (15).

[6] BVerfGE 33, 1 [14 f.]; Manssen, Staatsrecht II, 7. Aufl., 2010, 330f.; Epping, Grundrechte, 2. Aufl., 2004, Rn. 190.

(Ghi chú: Trong bài viết tác giả có sử dụng một số từ viết tắt trong Footnote theo thông lệ nghiên cứu khoa học pháp lý ở Đức: ví dụ: BVerfGE 33, 1, (14 f.), thì BVerfGE có nghĩa là Phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức [Bundesverfassungsgerichtsentscheidung], số 33 tiếp theo là số tập [Bandnummer], các số tiếp theo là số trang trích dẫn [Seite], trong đó số 1 đầu tiên là số trang bắt đầu phần phán quyết có liên quan và số (14 f.) trong ngoặc đơn là số trang trích dẫn chính xác; Aufl. có nghĩa là lần xuất bản (Auflage); Rn. có nghĩa là số đoạn (Randnummer); S. 300f. có nghĩa là từ trang (Seite) 300 đến trang tiếp theo (folgende). Những thuật ngữ quan trọng để đảm bảo tính chính xác, được trích lại tiếng nước ngoài, để trong dấu ngoặc.)

Copyright © Nguyễn Minh Tuấn

http://tuanhsl.blogspot.com/2011/05/vi-sao-phai-can-phai-co-tu-do-ngon-luan.html#more


NÓI THẲNG VÀ NGHE NÓI THẲNG
Trần Huy Thuận

“Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được

tiếng nói của chính mình… thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?”

(Giáo sư Tương Lai)

“Lời nói thật thà có thể bị buộc tội

Lời nịnh hót dối lừa

có thể được tuyên dương”

(Nhà thơ Nguyễn Duy)


NÓI THẲNG, NÓI THẬT tưởng dễ mà đâu có dễ. Để thấy rõ điều này, xin mời nghe bà Sáu Trầu, nguyên đại biểu quốc hội khóa VII[1], tâm sự: “trước phiên họp[2] (thứ 10, năm 1985, cách nay đã 35 năm có lẻ) một đồng chí trong đoàn kéo tôi lại ái ngại: chị có trăng trối gì với mấy đứa nhỏ ở nhà không?“[3]. Đấy là lần bà Sáu được phân công thay mặt đoàn đại biểu quốc hội tỉnh lên phát biểu chất vẫn chính phủ trước Quốc hội (khóa VII).

NÓI THẲNG NÓI THẬT là một yếu tố biểu hiện QUYỀN LÀM CHỦ CỦA DÂN. Dân chủ XHCN – như ta thường được nghe giảng, “dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản”. Biểu hiện đầu tiên của dân chủ chính là tự do. Tự do là khát vọng lớn nhất của con người mọi thời đại (Bác Hồ nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do). Trong đó, tự do nói lên sự thật, nói thẳng sự thật, được bày tỏ suy nghĩ của mình, ước nguyện của mình… chính là khát vọng thường trực[4]! Nhưng, nói thẳng sự thật – tưởng dễ mà khó! Đâu phải cứ muốn nói thẳng là ta có thể nói thẳng được? Người thấy sao nói thế, người nghe sao nói vậy, cứ nghĩ mình là người thẳng thắn, hóa ra không phải! Bởi thấy và nghe là những hành vi dễ nhất mà mỗi người có thể làm được, ngoại trừ những người khiếm thị, khiếm thính (nhưng những người này lại thường có linh cảm đặc biệt mà người sáng mắt, sáng tai không dễ gì qua mặt!). Thấy và nghe mới chỉ là nhận ra cái vẻ bề ngoài, cái hình thức của sự vật – mà ai cũng hiểu, hình thức nhiều khi không phản ánh đúng bản chất nội dung.

Thấy phải bằng đôi mắt tinh tường, nghe phải được nghe bằng cả hai tai!

Ngược với thấy sao nói thế, nghe sao nói vậy là loại người… thấy rõ mười mươi mà không dám nói, nghe rõ mồn một mà giả điếc làm ngơ!

Cho nên, thấy và nghe chỉ là bước đầu tiên để nhận thức bản chất: bước thu thập thông tin. Bởi vì nói thẳng bao giờ cũng đi đôi với nói thật, nên vấn đề nhận thức đúng bản chất mới là điều vô cùng quan thiết. Muốn vậy, trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực mình muốn nói. Dân ta có câu: Biết thời thưa thốt, không biết, dựa cột mà nghe!. Cùng với kiến thức, là tư duy khoa học, là biết đánh giá một cách toàn diện, khách quan – đừng như lũ thầy bói xem voi; đồng thời phải xuất phát từ một cái tâm trong sáng – để thẳng không thành cong, để méo không hóa tròn, để bé không xé ra to, để to không vo thành bé…

Nhận thức đúng bản chất – cần thiết, nhưng chưa đủ! Còn phải có dũng khí dám nói sự thật, đừng để miếng thịt bịt miệng! (Cần nói thêm rằng, không dám nói sự thật không chỉ là hành vi của kẻ hèn yếu, mà nhiều khi còn đồng nghĩa với ngậm miệng ăn tiền. Thực tế cuộc sống không hiếm kẻ tiến thân rất nhanh bằng con đường ngậm miệng: “Ngậm hàm thì tiến”! Dân gian đã nói như thế!). Sinh thời, Phùng Quán từng viết: Yêu ai cứ bảo là yêu- Ghét ai cứ bảo là ghét- Dù ai ngon ngọt nuông chiều- Cũng không nói yêu thành ghét- Dù ai cầm dao dọa giết- Cũng không nói ghét thành yêu…

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng phải… nói đúng sự thật! Một bác sĩ, khi phát hiện ca bệnh hiểm nghèo, có nên nói trực tiếp sự thật đó với bệnh nhân không? – Không trong trường hợp này, nhiều khi lại là đức nghề nghiệp cần thiết đối với một lương y! Vấn đề là ở chỗ: Không phải sự thật nào cũng nên nói; nhưng một khi đã có thể nói, thì phải nói đúng sự thật! Đấy có thể coi là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất một người-biết-nói-thẳng.

***

Có người-biết-nói-thẳng không thôi, chưa đủ, còn cần phải có người-biết-nghe-nói-thẳng.

Không phải ai ai cũng muốn nghe lời nói thẳng, bởi trung ngôn nghịch nhĩ (tuy bề ngoài, người nào cũng tỏ ra sẵn sàng nghe nói thẳng, nói thật!). Mặt khác, không phải ai đó tuyên bố sẵn sàng nghe nói thẳng nói thật, sẽ lập tức được đáp ứng!

Một người muốn nghe người khác nói lên sự thật, người đó mới chỉ là người-dám-nghe-nói-thẳng – Vâng! Rất đáng trân trọng! Nhưng chỉ… dám không thôi thì chưa đủ. Người muốn nghe lời nói thẳng, trước hết, dù ở cương vị nào, người đó cũng phải có được phẩm chất cần thiết như những tiêu chí đã nêu đối với người-biết-nói-thẳng (thậm chí còn phải ở mức cao hơn), nhất là sự dũng cảm (đặc biệt là khi điều được nghe lại đụng chạm đến… người thân, đến chính bản thân!) – Để không bị nhầm, bị lừa, bị bẫy… người nghe còn phải có kinh nghiệm nghe lại phải biết đích thân kiểm tra tính đúng đắn của những điều nghe được ấy. Người như thế, có thể đặt cho cái tên là người-biết-nghe-nói-thẳng hoặc người-nghe-nói-thẳng-được!

Như vậy, thực tế tồn tại một lô-gic sau: người-biết-nói-thẳng, khi có dịp được nói thẳng, người đó sẽ đủ tự tin để nói-thẳng-được! Tương tự, người muốn nghe nói thẳng, chỉ thật sự được nghe, khi người đó… nghe-nói-thẳng-được, tức là khi biết-nghe-nói-thẳng! Xưa nay thiếu gì “kẻ sĩ” đã “mai danh ẩn tích” chính vì không muốn “đem đàn gẩy tai trâu”.

Một đất nước phát triển, một xã hội dân chủ và văn minh, rất cần những người-biết-nói-thẳng – được nói thẳng! Càng rất cần những người-nghe-nói-thẳng-được – được nghe nói thẳng! Đó chính là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Và đó cũng là cái gốc của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thật vậy! Làm sao có thể được coi là một nước văn minh, dân chủ, khi trong nước đó, người-biết-nói-thật và người-nghe-nói-thật-được, chỉ như lá mùa thu.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] người mới đây được Vietnamnet gọi là “NGƯỜI MỞ KỶ NGUYÊN NÓI THẲNG, NÓI THẬT TRÊN NGHỊ TRƯỜNG”
[2] tức là trước khi bà thay mặt đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Cửu Long lên đọc tham luận “nói thẳng, nói thật”
[3]  ngày 06 tháng 01 năm 2011
[4] “Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm” – TS. Lê Đăng Doanh đã có lần trả lời vị Hiệu trưởng một Trường Đại học Singapore như vậy!
Đọc toàn bài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét