Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

MỘT NGƯỜI DÂN NHẶT ĐƯỢC 85 PHIẾU BẦU CỬ

TT - Chiều 29-6, ông Lê Huỳnh Kỳ, phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho biết thường trực HĐND tỉnh đã nhận được đơn và 85 phiếu bầu do bà Trịnh Kim Hoa (ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) gửi đến.

“Đây là vụ việc phức tạp, chúng tôi sẽ kiểm tra để sớm có kết luận” - ông Kỳ nói.
Hồ sơ và phiếu bầu mà bà Trịnh Kim Hoa tố cáo - Ảnh: P.Vân
 Ngày 28-6, bà Trịnh Kim Hoa tìm đến Phòng dân nguyện - văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Cà Mau để giao nộp 85 phiếu bầu cử HĐND cấp xã (nhiệm kỳ 2011-2016) do bà nhặt được, đồng thời tố cáo tổ bầu cử gian lận để một ứng cử viên trúng cử vào HĐND xã Khánh Bình Tây.

Theo bà Hoa, ngày 22-5 (ngày diễn ra bầu cử), trên đường đi bán cá bà nhặt được bịch nilông màu đen, giở ra thấy xấp phiếu bầu cử HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2015, tổ bầu cử số 9 (ấp Kinh Hòn và ấp Kinh Hòn Bắc).

Phiếu bầu gồm sáu ứng cử viên, cử tri bầu lấy bốn, có đóng dấu đỏ. Bà Hoa mang về nhà, tự kiểm phiếu với kết quả của 85 phiếu thì ứng cử viên nói trên chỉ được một phiếu bầu (ấp Kinh Hòn có 776 cử tri).

Bà Hoa còn cho biết: “Sau khi mang đơn tố giác nhiều nơi, đến ngày 22-6 tôi tiếp tục mang 85 phiếu bầu đã lượm được cho thường trực HĐND tỉnh Cà Mau xem xét và người tiếp đơn chỉ hứa sẽ giải quyết”.

Chiều 29-6, ông Thái Hồng Tư - phó bí thư, chủ tịch HĐND xã Khánh Bình Tây - nói: “Phiếu của bà Hoa lượm được có thể là phiếu dự phòng được tổ bầu cử đóng dấu sẵn. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại số phiếu phát ra, số phiếu thu vào và số phiếu dự phòng mới biết được 85 phiếu này thất lạc ở khâu nào. Sự thiếu sót ấy cần phải làm rõ. Đồng thời chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình giới thiệu, bầu cử và lý lịch của ứng cử viên mà bà Hoa tố cáo”.

Tổ bầu cử số 9 được đặt tại trụ sở Ban nhân dân ấp Kinh Hòn.

Phong Vân 
Theo Tuổi Trẻ Online

Gió Đông: Cuối cùng thì cũng đã có "chuyện", từ trước tới nay dân ta đã quen với sự trơn tru, "bình lặng", quen với "sự thành công tốt đẹp" của các cuộc bầu cử. Quen đến độ chẵng ai có biểu hiện, phản ứng hay chú tâm gì khi nghe đến những tin tức này. Chính vì vậy mà vụ việc này có thể trở thành một điểm "sáng".
Có người sẽ nói tôi là cực đoan, thấy cái xấu mà cứ mừng rớn lên!
Đúng là mừng thật, nhưng không phải mừng vì diễn ra cái xấu mà mừng vì đã có một sự thật! Một sự thật có thể "sẽ" được mọi người biết đến. Tôi nghĩ rằng, chúng ta chấp nhận "sự thành công mỹ mãn" đó cũng là dối lòng mình, thực ra chúng ta muốn một sự thật hơn!  Sự dối trá, gian xảo cần phải bị lên án mạnh mẽ, kiên quyết.
Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Nhật Bản Ngày 25/6/2011

       Tìm ra được một con đường đưa Việt Nam thoát ra khỏi sự độc đoán, chuyên chế độc quyền, xã hội thoát ra khỏi sự bế tắc, bảo vệ bờ cõi biên cương vững chắc trước bọn xâm lăng: đó là việc chung của mọi người dân đối với đất nước.
       Hành động thực tế của những người mang sắc màu tổ quốc này có một giá trị to lớn mà không một tuyên bố suông nào có thể so sánh được.
        Đây là lời tuyên bố của nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam!




Từ những hành động yêu nước ở Việt Nam, Pháp, Nhật...vừa qua.
Thấy rằng: ở trong nước hiện tại không thể hành động có tổ chức, quy củ được. Các anh chị em đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài với thuận lợi của mình hãy phát huy tối đa tinh thần Việt Nam, tiếp bước theo cộng đồng ta ở Nhật Bản để cho thế giới thấy rõ hành động ngang ngược, thiếu đứng đắn của TQ. Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Đúng Sai và Sự Sợ Hãi

Hình ảnh đẹp trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần 2, ngày 12/06/2011 Tại Hà Nội
Thời gian này cả đất nước chúng ta, từ già tới trẻ đều đau đáu dõi theo tình hình Biển Đông, dõi theo tình hình Hoàng Sa, Trường Sa. Lịch sử đấu tranh gian khổ của dân tộc đã tạo nên cốt cách đó, tình thần đó, nó truyền từ đời này sang đời khác mà có thể trong mỗi người VN đã hình thành nên..."Gene" chống giặc ngoại xâm cũng nên! Đó là một niềm vui, niềm tự hào, là tài sản vô giá của đất nước, đó là căn nguyên sự trường tồn của dân tộc Việt. Theo lời trong bài hát của Trịnh Công Sơn: "Một nghìn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm nô lê giặc tây" tuy nhiên quân giặc không thể đồng hóa được chúng ta. Tôi đã rất vui khi nói chuyện với đối tác trong bữa tiệc tại Thượng Hải, họ hỏi: Anh nói được tiếng Trung chứ? Tôi trả lời: không. Ông bà anh chắc nói đựơc tiếng Trung chứ? Tôi trả lời: không, giờ Việt Nam chẵng mấy ai nói được tiếng Trung ngoài SV khoa Trung cả! Đó là một điều vô cùng hạnh phúc đối với tôi sau chuyến đi đó.
Về một số hình ảnh "không đẹp" tại cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gần đây(ngày 12/6/201) thật chẵng biết phải lý giải thế nào cho "phải"! Vì phải có thể lại..."không phải". Mà không phải có thể lại được xem là phải. Sự đời tréo ngoe.
(Công an chìm làm nhiệm vụ tại nhà thờ đức bà - Sài Gòn)
Nhìn những hình ảnh này, ai dám bảo đây là hành động của chính quyền?

Khó vậy tôi xin mượn lời GS. Ngô Bảo Châu bình luận về phiên tòa xét xử TS.Cù Huy Hà Vũ vậy:
"Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.
Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hợp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ".

"Nếu" những hành động như trên là "ĐÚNG" thì có nghĩa người dân đã...SAI. Đã gửi trứng cho ác.
"Nếu" những hành động trên đây là SAI, thì nó là sai thế nào? Phải chỉ cho rõ, phân tích cho cụ thể. Sai như vậy nó thuộc bản chất hay hiện tượng. Phải có bố cáo rõ ràng về hành vi sai trái này kèm theo hình thức xử phạt(cũng đến đây thôi, chứ truy tiếp lên, truy cho tới cùng tôi đang là một công dân tốt lại phạm vào điều 88).


Lại nhớ đến sự kiện cách đây 63 năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, đồng chí Giám đốc Công an khu 12 viết thư chúc Tết và gửi biếu Bác tờ báo Bạn dân số Tết. Bác nhận được thư và báo rồi viết thư gửi đồng chí Giám đốc - Bác hoan nghênh sự cố gắng và căn dặn cách làm báo.
Viết báo cần ngắn gọn, viết những vấn đề thiết thực, dễ hiểu và làm được. Bác không chỉ căn dặn đến hình thức của tờ báo, mà còn làm rõ, nhấn mạnh những nội dung hết sức cơ bản - Đặc biệt Bác nhắc nhở Báo cần làm cho anh chị em Công an nhận thức rõ sâu sắc quan điểm Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc.
Bác nói: Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì việc gì cũng xong - Nhiệm vụ của Báo là phải nhắc nhở anh em Công an coi trọng việc rèn luyện tư cách, đạo đức - Bác khái quát tư cách của người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo

Lời của bác là nội dung giáo dục hết sức cơ bản, toàn diện, sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an. Nó mang tính hệ thống, cơ bản, sát với yêu cầu của lực lượng Công an, dễ hiểu, có tính giáo dục và nhân văn rất cao.
Cho đến nay, sáu điều Bác dạy cũng chính là nội dung cốt lõi của việc xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Vì Hồ Chủ Tịch, lực lượng Công An Nhân Dân hãy xứng đáng với vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra còn phải tự rèn luyện nâng cao bản lĩnh, nâng cao kiến thức, trình độ để có thể bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, để có thể phân rõ đúng sai, phải trái, địch ta(thời của Bác phân định dễ hơn).
Đọc toàn bài!

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Ta đã thấy, đã nghe và đã nói

Ta đã thấy, không giả mù được nữa!
Máu cha ông chảy suốt bốn nghìn năm
Màu đỏ ấy ướt nhoè từng trang sử
Đỏ núi Chi Lăng, đỏ sóng Bạch Đằng

Ta đã nghe, vì làm sao giả điếc!
Tiếng hùng ngâm sông Như Nguyệt hồn xiêu
Tiếng gươm khua Nhị Trưng, tiếng voi rống Nhuỵ Kiều
Tiếng roi sắt Phù Đổng vút qua mười thế kỷ

Ta đã nói, vì không câm được nữa!
Khi tiếng nấc An Tư ngẹn thắt họng ta rồi
Khi trống trận Quang Trung, lời hô xung trận Ngọc Hồi
Khi Hịch tướng sĩ, Chiếu xuất quân trở thành ca dao nuôi dân ta lớn dậy

"Yêu chuộng hoà bình!" – mấy ngàn năm quân xâm lăng lải nhải!
Cha ông ta nghe, đến con cháu ta sẽ vẫn còn nghe
Đất nước dựng lên sau bóng mát lũy tre
Lấy tre làm nhà, làm cày, làm bút, làm sách, làm đũa, làm lồng gà, lồng đèn…
và làm vũ khí!
Hoà bình là khát vọng Việt Nam
Nhưng chằng kẻ nào có thể đưa ra lừa mị
Lời đồng chí, hữu hảo, láng giềng… nhớt lưỡi bò
Và vũ khí tận răng!
Từ Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh
Đến Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa
Đều một "sách" miệng chí nhân lương tâm kẻ cướp
Không thể nhớ số lần chúng khởi binh xâm lược
Nhưng dân ta biết tất cả những khi chúng phải dừng bước
Đều là những lần bị cha ông ta đánh bại tả tơi!

Tám mươi hai triệu người Việt Nam
Dù trong nước
Hay tha hương góc biển chân trời
Bất kể bạn đang cầm lá cờ gì khi biểu thị tình yêu Tổ Quốc
Tôi tin trong mỗi trái tim đều ngân lên tiếng thiêng liêng nhất:
VIỆT NAM!

nick mới - X Cafe.VN
http://www.x-cafevn.org/node/2232
Đọc toàn bài!

Nhìn Biển Đông ngẫm lời ông Sáu Dân

Tác giả: Tương Lai
Trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông, người ta lại nhớ đến suy tư của ông Sáu Dân dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc".

"Nỗi niềm tưởng đến mà đau", ông Sáu Dân ra đi thế là đã ba năm. Một nghìn tám mươi ngày đà mấy chốc, thế mà thời cuộc bể dâu biết bao chuyện đáng suy tư.

Anh bạn thân của tôi đang ở bên Úc, người từng cận kề với ông Sáu Dân trong những công việc liên quan tới công tác đối ngoại, trong thư vừa gửi có hỏi: "anh TL nè, không biết nếu anh Sáu còn sống, thì anh Sáu sẽ nói gì nhỉ? Anh có đoán được ra không? Có lần anh ấy đã nói với em ở Tây Hồ, ít ngày trước khi em sang Úc... gặp anh, em sẽ kể lại anh những gì anh Sáu nói với em dạo ấy".

Tuy hồi hộp chờ chuyện anh bạn sẽ kể, nhưng tôi không "đoán", mà là mường tượng được ông Sáu đã nói gì với Tr... về những mối quan tâm trên lĩnh vực đối ngoại trong dịp ấy, và rồi sẽ nói gì vào lúc này, về những sự kiện đang khuấy động tâm tư của mỗi người Việt Nam ưu tư về vận mệnh của đất nước. Một người bạn thân tình và cũng là người trợ giúp tin cậy của ông Sáu Dân, anh Việt Phương, trong bài thơ vừa gửi cho tôi đã nói hộ điều đó:

"Ba năm hơn một nghìn ngày

Bao nhiêu biến động đổi thay cõi người

Chuyện nhà chuyện nước chuyện đời

Người còn trăn trở không nguôi nỗi niềm..."

Đâu chỉ có một mình ông Sáu Dân trăn trở, cho nên phải nói là ông trăn trở những điều mà cả nước đang trăn trở. Chính ở đây, người ta muốn có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như ông Sáu Dân đã từng làm, để từ đó mà đưa ra được những giải pháp sáng tạo, giàu tính thuyết phục, khởi động được sức mạnh to lớn của dân.
Và rồi, trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông khiến người ta lại nhớ đến suy tư của ông dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc. Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc".*

Thách thức đi liền với cơ hội. Chuyện này chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì "đột phá", nhưng sẽ là "đột phá" ở cách vận dụng sao đây để biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế.

Bình sinh, ông Sáu Dân thường có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như vậy. Mà "đột phá" được vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình. Có được bản lĩnh ấy nhờ biết coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí nguyện vọng của dân.

Bằng sự chân tình của một con người mà nhịp đập của trái tim mình nối kết được với nhịp đập trái tim yêu nước của người dân, ông Sáu Dân đã từng vận dụng một cách trung thành và sống động tư tưởng Hồ Chí Minh về cách bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến đại đoàn kết dân tộc, cũng chính là nói về tập họp và phát huy ý chí, trí tuệ và sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân trong đời sống hàng ngày muôn hình muôn vẻ của họ mà đôi khi cứ như "tự phát" hoặc "không theo một chỉ thị, nghị quyết" nào!

Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân. Do cảm nhận được tâm tư, nguyện vọng của con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, những con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa "đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung" trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để thật sự có khối đại đoàn kết dân tộc, Võ Văn Kiệt biết và dám tìm mọi cách để khơi dậy mọi khả năng đang còn tiềm ẩn trong mỗi một con người thuộc mọi tầng lớp, rũ bỏ những định kiến, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của dân tộc mà chân thành đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước.

Cũng chính vì thế, ông có được một tầm nhìn vượt xa lên phía trước về phát huy dân chủ, xem đó là điều kiện tất yếu để có đoàn kết chân thành và bền vững, động lực quyết định của phát triển. Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi một con người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của đất nước. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Có thể nói chữ dân trong khối óc và trái tim của Sáu Dân gắn làm một với dân chủ.

Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào, đồng chí của mình ông tiếp thu vào mình nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với nguồn mạch đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự kiên trì học hỏi và chân thành lắng nghe những chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Những cái đó suối nguồn bất tận làm nên một tầm vóc Võ Văn Kiệt, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách.

Trong bối cảnh phức tạp đang diễn ra lại nhớ đến những suy tư của ông: "Việt Nam ta hiện nay phải lựa chọn: hoặc không có một chỗ dựa nào nữa, hoặc phải tìm một tình thế quốc tế tối ưu cho mình. Về điều này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án. Không thể chỉ nói như là đã giải quyến được vấn đề" * 2[526] .

Ông đưa ra những gợi ý rất đáng suy nghĩ: "Ngày nay khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó còn có thể tìm được chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Chỗ dựa và cách dựa bây giờ khác đi. Bây giờ không phải đi tìm một cường quốc nào đó mà là cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm"* .

Trong tư cách là người gánh vác trọng trách trước dân, ông đặt vấn đề rất công khai và sòng phẳng: "phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thỏa mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc là sẽ tụt hậu. Vào thời kỳ trước 1986, tất cả những mũi đột phá sáng tạo đều đã từng bị những quan điểm bảo thủ quy kết là chệch hướng...

Hãy thử tưởng tượng xem, nếu trong những năm gian nan ấy mà những quy kết đó không kiên trì khắc phục, thì mọi mũi đột phá đều bị ngăn cản. Như vậy, Việt Nam có vượt qua được khủng hoảng và bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện không?

Từ kinh nghiệm đó, chúng ta phải thẩm tra xem ngày nay đang có những gì cần phải tiếp tục tìm tòi, phải biết tìm mọi cách phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực mới để bứt phá, tìm ra những hướng sang tạo mới trong các bước đi để bắt kịp được nhịp phát triển của thời đại. Cần phải rạch ròi và song phẳng chỉ ra những hướng đi đang còn bị ngộ nhận và quy kết đơn giản là chệch hướng, liệu có đúng là chệch hướng không?...Chẳng lẽ phải đuổi kịp thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng?" *

Cổ vũ cho những mạnh dạn tìm tòi với ý thức trách nhiệm cao trước dân, ông Sáu Dân hay nhắc lại về những bài học thực tiễn, có những điều từng được truy chụp là sai lầm, chệch hướng nhưng sau đó thực tiễn lại chứng minh là đúng đắn và sáng tạo. Ngược lại, có những điều được khẳng định là vấn đề có tính nguyên tắc, là định hướng đúng đắn thì rồi thực tiễn đã bác bỏ khi những điều tưởng là "thiên kinh, địa nghĩa" đã bị cuộc sống vượt qua.

Ông nghiêm khắc phê phán những người "...sẵn sàng cao giọng bảo vệ chế độ, tích cực chống bọn tấn công vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội. Thực ra là họ sợ hãi cho lợi ích bất chính của họ..."* Đó là những người mà ông Sáu Dân gọi là "tham nhũng những giá trị trí tuệ, những danh vị cao quý bằng chủ nghĩa cơ hội..."*

Thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Ở những quãng sông nước chảy xiết, nhất là ở những khúc ngoặt, váng bẩn sẽ nổi lên nhiều, nhưng dòng sông vẫn chảy. Khi tư tưởng đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh vật chất tao ra những bứt phá, đưa đất nước đi tới. Nhân ngày giỗ ông Sáu Dân, nghĩ về ông , thiết thực nhất là nhắc lại một vài ý tưởng có sức thuyết phục của ông.

________________

* "Võ Văn Kiệt, người thắp lửa". NXB Trẻ. 2010, tr. 471, 526, 525, 524, 528
Theo Tuần Vietnamnet
Đọc toàn bài!

Tổ quốc ơi, và …mạnh vì tiền, bạo vì quyền!

Tác giả: Kỳ Duyên
Bài đã được xuất bản.: 10/06/2011 06:00 GMT+7
Biển Đông, thi cử và chuyện 2 bộ phim cổ sử đang phát sóng, và sẽ phát sóng, xét cho cùng, vẫn là chuyện vận mệnh quốc gia dưới góc nhìn hải đảo, giáo dục và văn hóa- những lát cắt bi hùng, phẫn nộ xen lẫn nỗi đau mà Phát ngôn&hành động tuần này xin được gửi tới quý bạn đọc

"Trong hồn người có ngọn sóng nào không?"

Tuần này, một sự kiện lịch sử nổi bật được nhắc đến: Cách đây đúng 100 năm, ngày 5/6/ 1911, Bác Hồ xuống tàu đi tìm đường cứu nước.

Tròn 1 thế kỷ, 100 năm sau, con cháu của Bác lại sục sôi tinh thần giữ nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Trước vụ việc Trung Quốc , vào ngày 26/5/2011 ngang ngược vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN ở Biển Đông, vi phạm UNCLOS, vi phạm DOC ký giữa TQ và các nước ASEAN.

Ngang ngược, bởi nơi 3 tàu hải giám TQ cắt cáp tàu Bình Minh 2 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 120 hải lý, trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của VN, cách đảo Hải Nam TQ tới 340 hải lý, vậy nhưng TQ lại nhập nhằng đánh lận rằng đó thuộc vùng đang tranh chấp(?).

Một loạt những hành vi xâm phạm chủ quyền VN, ngang nhiên dẫm đạp lên luật pháp quốc tế cho thấy, một quốc gia lớn nổi tiếng có đầu óc, học sinh dự thi toán quốc tế năm nào cũng đứng đầu bảng, mà không phân biệt ra sự khác biệt cơ bản giữa 120, 200 và 340 hải lý. Thì chỉ có thể là quốc gia đứng nhất nhì bảng về... lòng tham, nhưng đứng cuối bảng về sự hòa hiếu với các lân bang.

Tròn 1 thế kỷ sau Bác Hồ đi tìm hình của nước, Tổ quốc ta lại đứng trước cơn sóng cả!

Bản chất của sự ngang ngược gây hấn này là gì?

Ngày 5-6-2011, báo Đất Việt có bài "Nguyên nhân Trung Quốc leo thang ở Biển Đông". Ngoài việc giải quyết cơn khát năng lượng dầu mỏ mà Biển Đông là nguồn tiềm năng khổng lồ, giới phân tích và dư luận quốc tế cho rằng động thái này của TQ xuất phát từ tình hình trong nội bộ nước này đang có nhiều bất ổn.

Phải chăng, "nóng" quá trong nội tình, mà TQ muốn hướng dư luận ra bên ngoài, đánh lạc hướng và làm dịu tình hình trong nước. Sự gây hấn với VN đồng thời còn là một phép thử cân não không chỉ với VN, mà với cả Mỹ và ASEAN?

Phép thử, nhưng dã tâm thật.

Dã tâm thật, sẽ gặp ý chí thật!

Trên các trang báo mạng, blog cá nhân những ngày này hừng hực một không khí Biển Đông, một không gian Biển Đông, một tinh thần vì Biển Đông. Nơi đó, hàng triệu con mắt, hàng triệu con tim yêu thương và phẫn nộ, lo lắng nhất mực hướng về Biển Đông.

Trước đó, ngày 29-5, báo Thanh Niên xuất hiện một bài thơ. Ngay lập tức, bài thơ được truyền nhanh như sóng điện và nhận được sự trân trọng, sự chia sẻ đồng cảm của hàng triệu triệu bạn đọc trong nước, và người Việt nước ngoài. Đó là bài "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà báo- nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ thấm đẫm niềm yêu và sự day dứt, xót xa về Tổ quốc.

"Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa...

...Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không..."

"Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...". Câu hỏi của nhà báo- nhà thơ có số phận đặc biệt, cũng là câu hỏi cho hơn 80 triệu con dân nước Việt những ngày này.

Nhạc sĩ Phạm Minh Thuần - Quỳnh Hợp ngay lập tức đã phổ nhạc bài thơ. Cùng đó, hàng trăm bài báo của các tướng lĩnh quân đội, công an, các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông... cất tiếng.

Một đất nước mà con người biết vượt lên nỗi đau riêng, để sống cùng ấm lạnh cộng đồng. Một đất nước, con người dù chính kiến có thể còn khác nhau, nhưng lập tức cố kết để cùng nhìn về một hướng, cùng chung một tiếng nói- chủ quyền Tổ quốc là trên hết. Đất nước ấy không thể bạc nhược. Tổ quốc ấy không thể yếu hèn.

Rồi ngày 6/6/2011, một loạt các báo Thanh Niên, Pháp luật TP, Đất Việt...đã đưa tin tuổi trẻ và người dân HN, TP. HCM nối vòng tay lớn, biểu thị sức mạnh tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Và cũng đúng ngày 6/6/2011, "Tàu Bình Minh 02 lại ra khơi"- (VietNamNet). Đó không chỉ là hoạt động tiếp tục của một con tàu có nhiệm vụ khảo sát vùng biển. Đó còn là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc Việt Nam

Đằng sau con tàu không chỉ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà là cả hơn 80 triệu dân yêu thương và chia sẻ dõi theo. Sự kiện Biển Đông đang đặt Tổ quốc trước những thách thức lớn, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và ý chí tự cường, tư duy chiến lược quốc gia. Những phát ngôn ấn tượng của các tướng lĩnh trên ViệtNamNét và VnExpress cũng chính là tâm nguyện nhân dân:

"Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí....Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân" (Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)

"Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình" (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

"Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo" (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết).

"Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó (Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

" Cần phải nhớ lời di huấn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói cách đây hơn 700 năm, "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bản gốc và làm cho vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Đó là thượng sách giữ nước". (Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an).

Đáng chú ý, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi lại vừa lên tiếng "đòi VN thực hiện các nỗ lực nghiêm túc để giải quyết tranh cãi mới xảy ra ở Biển Đông". Một sự tiếp tục đánh tráo khái niệm theo kiểu "cả vú lấp miệng em", tiếp tục thách thức lòng yêu nước người Việt.

Và chỉ 13 ngày sau sự kiện Bình Minh 02, sáng qua (9/6), Trung Quốc lại tiếp tục ngang ngược cho tàu cá lao vào cắt cáp của tàu thăm dò Viking 2 của Petro Việt Nam khi tàu này đang làm nhiệm vụ khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Chợt nhớ, chỉ còn ít ngày nữa Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc, bầu ra bộ máy chính thể mới, với sự hiện diện của 500 đại biểu QH. Vận mệnh Tổ quốc, cả chủ quyền lẫn con đường phát triển đang chờ đợi cái tâm, cái tầm của bộ máy chính thể mới, của các đại biểu vì lợi ích "của dân, do dân và vì dân".

Chợt nhớ, câu thơ giống như một câu hỏi day dứt: "Trong hồn người có ngọn sóng nào không?". Phát ngôn của các tướng lĩnh và phát ngôn của nhà thơ liệu có đồng điệu ...

Vâng! Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Để Tổ quốc - không bao giờ ngã tay chèo.

Phao "cứu sinh" cho ngành giáo dục?
Cũng trong tuần này, có một sự kiện nổi bật của ngành GD. Đó là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2011, với hơn 1 triệu thí sinh tham dự. Nổi bật, nhưng kỳ thi lại có vẻ lặng lẽ, không ồn ào.

Sự bình yên của kỳ thi quốc gia, ở góc độ nào đó là điều may mắn. Nhưng ở mặt bên kia, nó phản chiếu tâm lý mỏi mệt, sự nản lòng và thất vọng của cả xã hội trước những già nua, xơ cứng và luẩn quẩn của ngành GD không tìm ra con đường đổi mới thi cử như ngành từng hăm hở, hào hứng tung ra năm nào.

Có lẽ vì vậy, mặc dù tuyên bố cơ bản là giữ ổn định, nhưng trong chỉ đạo, ngành vẫn muốn tìm ra một sự cải tiến. Tiếc thay, sự cải tiến đó đi theo hành trình "xoáy trôn ốc"- luẩn quẩn trở về ...cái cũ. Có thể nhìn thấy ở 2 khâu thanh tra thi, và ra đề thi.

- Thanh tra thi: Cách đây 2-3 năm, ngành điều động rầm rộ tới 9000 thanh tra ủy quyền (giảng viên các trường ĐH, CĐ). Năm nay chỉ còn 600 người, giảm gấp 15 lần. Nhà giáo Văn Như Cương đã phải đặt câu hỏi trên Bee.net: "Phải chăng vì tiêu cực trong kì thi đã giảm đi 15 lần? Hay vì thanh tra đã trở nên không hiệu quả, có cũng như không? Hay vì thanh tra viên bị địa phương vô hiệu hóa?".

Trong khi đó, người viết bài này khi đi một loạt các tỉnh khảo sát, ý kiến của nhiều cán bộ quản lý GD cho rằng thanh tra ủy quyền cũng vẫn chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", chẳng giải quyết vấn đề gì. Vậy chủ trương đó của ngành đúng hay sai? Và sự tốn kém trả giá cho một chủ trương nhất thời đó ai chịu, nếu không phải là dân?

- Đề thi: Sau biết bao năm ra đề thi kiểu đánh đố, làm khó, làm khổ học sinh dẫn đến lò luyện thi nảy nở tưng bừng, thi cử căng thẳng, đến mức ông Hoàng Trường Kỳ- nguyên là GĐ Sở GD và Phó CT tỉnh Vĩnh Phúc phải nhận xét: "Không ai vác đá tự ghè chân mình", nay đề thi lại quay trở về điểm xuất phát- không quá khó, không đánh đố học sinh.

Đến mức vừa kết thúc kỳ thi, tại cuộc họp báo chiều 4-6, Thứ trưởng GD Nguyễn Vinh Hiển đã dự báo, thí sinh sẽ đỗ với tỉ lệ rất cao.

Nhưng thưa Thứ trưởng, tỉ lệ đỗ rất cao với chất lượng GD thực chất khác nhau lắm đó!

Tỉ lệ đỗ rất cao chỉ thuận với chất lượng như ông mong muốn, nếu ngành thực sự kiểm soát được quá trình GD, kiểm soát được 3 yếu tố: Đội ngũ GV; Chương trình, nội dung SGK và Phương pháp. Nhưng thực tế ngành có kiểm soát nổi không?

1- Đội ngũ GV của ngành đến nay, tỉ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn khá cao. Nhưng trong đó, có bao nhiêu % chuẩn, trên chuẩn là thực chất; bao nhiêu % chuẩn, trên chuẩn chỉ là hình thức, chưa kể một tỉ lệ nhất định giáo viên còn 7+, 9+...

2- Chương trình, nội dung SGK là yếu tố được nhắm đầu tiên mỗi khi ngành chủ trương cải cách GD. Thế nhưng 4-5 cuộc CCGD đã qua đi, thực tế chưa cuộc CCGD nào được coi là thành công. Đến giờ, chương trình, nội dung SGK vẫn luôn là nỗi lo của xã hội. Sắp tới 70 ngàn tỷ đồng đầu tư tiếp cho GD, trong đó hơn 960 tỷ sẽ lại được rót cho việc biên soạn SGK mới sau năm 2015- có nghĩa là vẫn kiểu "ngựa quen đường cũ"? Ngựa quen đường cũ, thì chất lượng GD rất có thể cũng như cũ.

3- Đổi mới phương pháp là mục tiêu lớn nhất, và duy nhất của Đổi mới GD năm 2000. Hơn 10 năm qua, hàng nghìn tỉ đồng của nhân dân rót cho thiết bị GD, để rồi đến giờ trường phổ thông vẫn cơ bản dạy chay- học chay, vẫn thầy đọc- trò chép. Sự thất thoát không chỉ tiền bạc. Sự thất thoát ở đây còn là chất xám của bao thế hệ trẻ VN đã không thể biến thành "động lực cho sự phát triển".

Ngành GD nghiêm khắc ngăn chặn hiện tượng phao thi mỗi kỳ thi cử. Nhưng chính ngành lại đang rất cần "phao cứu sinh" để khỏi trượt vỏ chuối trước yêu cầu phát triển xã hội, trước tương lai dân tộc.

Ai là người chịu trách nhiệm chính về cái "lỗi hệ thống" của ngành đây?

Mạnh vì tiền, bạo vì quyền?

Không khí Biển Đông còn hừng hực trong tuần, thì mới đây một vụ việc của văn hóa khiến sự nổi giận của xã hội lại bùng lên như lửa đổ thêm dầu.
Đó là bộ phim nhiều tập Huyền sử Thiên đô đang được phát sóng, bắt đầu nhận được nhiều tiếng khen của khán giả, mới tới tập 20 (trong số 42 tập phim đã sản xuất) bỗng chốc bị VTV tuyên bố cắt sóng vào ngày 29-6 tới đây. Thay vào đó, VTV sẽ phát bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, một bộ phim mà từ khi ra đời đã chuốc lấy bao tai tiếng. Đến giờ, dù phải cắt gọt, sửa chỗ này xén chỗ kia tới 3-4 lần thì tai tiếng của nó xem chừng vẫn hoàn nguyên.

Bởi nó hỏng ngay từ điểm xuất phát- tâm lý vọng ngoại quá nặng, cho dù nhà sản xuất mong muốn được đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Nguyên nhân chính của sự cắt sóng phim Huyền sử Thiên đô là gì?

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản vô cùng bức xúc vì theo ông "Lý do thì đủ thứ nhưng tóm lại là sự cửa quyền và tiền... Vì cửa quyền và tiền nên tự nhiên giá trị văn hoá nó rẻ mạt đi....Họ chẳng cần gì hết, họ chỉ cần tiền".

Họ ở đây là ai, và tiền ở đây là tiền gì? Đọc kỹ bài trả lời phỏng vấn trên VietNamNet mới hay, đây là tiền quảng cáo ăn theo bộ phim- một cách kiếm tiền theo kiểu "xã hội hóa" của nhà đài. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, đến tập phim 11 thì quảng cáo tương đối nhiều.
Nhưng từ tập 12 cho đến giờ- tập thứ 20, thì quảng cáo đã sụt hẳn xuống, do thông tin Huyền sử Thiên đô sẽ dừng phát sóng, đẩy nhà sản xuất phim vào sự thất thu, với nguy cơ mất cả chì lẫn chài. Rất có thể số phận bộ phim cũng thành ...huyền sử nốt!

Điều đáng nói không ở bộ phim Huyền sử Thiên đô. Mà là sự bất bình của bạn đọc trước tin bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long sẽ được công chiếu tiếp theo.

Nếu bộ phim cổ trang "đặc sệt" TQ này được chiếu trong những ngày mà sự kiện Biển Đông khiến cả nước phẫn nộ, sẽ ra sao?

Có lẽ ý thức được tầm nguy hiểm của những hệ lụy, mới đây Tổng GĐ Đài Truyền hình VN cho biết VTV sẽ tạm dừng phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào cuối tháng 6 như đã công bố.

Cho dù đó là tin mừng, người viết bài này không khỏi nghĩ về phát ngôn trước đó của ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia: Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử...

Không sai phạm về tinh thần lịch sử, nhưng lại rất phản văn hóa, làm tổn thương nặng lòng tự tôn dân tộc của người Việt, khác gì tự nguyện chấp nhận một sự "xâm lăng văn hóa".
Đến Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia còn không phân biệt được rạch ròi giữa văn hóa và phản văn hóa, nói gì đến câu "Phải nâng tầm lên chứ?" của nhà sản xuất Trịnh Văn Sơn (Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành). Nâng tầm đến mức khi xem phim, người ta nghĩ đó là phim TQ, không phải phim của VN chăng?

Người ta còn chưa quên câu chuyện diễn viên TQ Triệu Vy, nổi tiếng với vai Tiểu Yến Tử đã phải đối mặt với một làn sóng bất bình của người dân nước cô, khi xuất hiện trong một buổi biểu diễn thời trang với bộ trang phục in hình quân kỳ Nhật Bản. Dư luận cho rằng, Triệu Vy đã chà đạp lên lòng tự trọng của dân tộc. Rút cục, diễn viên này đã phải khóc xin lỗi khán giả và người dân TQ. Một diễn viên, nhận thức có thể hạn chế đã phải trả giá như vậy, huống hồ, đây là cả một công ty sản xuất phim ảnh một quốc gia, là những người có trình độ và nhận thức nhất định về văn hóa?

Ngày 1/10/2010, trong bài "PN & HĐ: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", người viết bài đã nói về nỗi tủi nhục của sự mất văn hóa. Nay chỉ xin nhắc lại: Nước có thể còn, nhưng dân tộc có thể mất, chỉ vì văn hóa vong nô.

Bỗng nhớ đến câu thơ như một câu hỏi buồn day dứt của Nguyễn Việt Chiến: "Trong hồn người có ngọn sóng nào không?"

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...
Theo Vietnamnet
Đọc toàn bài!

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

'Chính Nhà nước đẩy phim truyền hình vào tình trạng báo động'

 Thực trạng và giải pháp cho chất lượng phim truyền, câu chuyện tưởng như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn có nhiều ý kiến đáng để suy ngẫm.

Nói đến phim truyền hình dở, người ta nghĩ ngay đến những nguyên nhân kịch bản, nhân lực, kinh phí, nhà sản xuất (NSX)… Tuy nhiên, trong buổi hội thảo do hội điện ảnh TP HCM tổ chức sáng ngày 7/6, nhiều nhà chuyên môn đã thẳng thắn “vạch mặt” thủ phạm: Cơ chế.
“Tội đồ” cơ chế
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định: “Phim truyền hình xuống cấp là do cơ chế của đài. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ”. Theo anh, không nên trách nhà sản xuất vì họ kinh doanh thì phải tính toán làm sao có lời. Trong khi cơ chế mua phim là cào bằng, tối đa 200 triệu đồng/tập, đó là chưa kể kinh phí tới tay người làm phim phải qua bao nhiêu cửa, tiền sẽ rơi rụng bớt. Đa phần các nhà làm phim ban đầu cố gắng chịu lỗ hoặc không lời để có sản phẩm tốt xây dựng thương hiệu. “Nhưng lỗ một vài lần thì được chứ ai chịu lỗ hoài chỉ để có cái danh”, đạo diễn nói.

Bộ phim truyền hình Chủ tịch tỉnh mới công chiếu
“Trên lý thuyết, không phải cứ có nhiều tiền mới làm được phim hay. Nhưng mỗi năm làm cả ngàn tập phim mà cái nào cũng “liệu cơm gắp mắm” làm sao được. Cũng giống như mình ăn mỗi ngày toàn thịt cá, lâu lâu ăn đậu phụ, mắm tôm thì thấy ngon, chứ cả năm ăn đậu phụ mắm tôm không thì chết”, Nguyễn Quang Dũng lập luận. Vì thế, theo đạo diễn này, cơ chế khoán một mức cào bằng và không cao, không có khoản thu nào sau sản phẩm, thì đương nhiên dẫn đến hệ lụy là phim xuống cấp. Làm hay để làm gì vì làm hay cũng bấy nhiêu đó tiền. Vấn đề là họ không có nguồn lời từ chất lượng sản phẩm, mà nguồn lời duy nhất của họ là phải tiết kiệm chi phí. Cho nên người giỏi cũng hóa dở hoặc chạy trốn, người dở không có uy tín thì không có gì để mất, sợ gì mà không làm, NSX này chết thì có NSX khác nhảy vào, còn nhà đài ở thế thượng phong muốn giao ai thì giao.
Nhà văn Tô Hoàng thì lấy câu “tiền nào của nấy” để lý giải cho sự kém chất của phim Việt. “5, 6 triệu đồng/tập phim thì chỉ tìm được nhà biên kịch “chim sẻ” thôi. Hãy trả 10, thậm chí 20, 30 triệu/tập, lập tức sẽ tìm được người chuyên nghiệp”, ông nói. Tương tự với diễn viên, cát sê thấp thì tội gì phải nghiền ngẫm kịch bản, phân tích tính cách, học thuộc lời thoại. Với đạo diễn, tiền chỉ có thế thì phải làm ẩu, làm vội thôi. Còn với NSX, giá mua phim thấp buộc họ phải tiết kiệm, giảm thiểu chi phí mới mong có lời. Và ông đi đến kết luận: “Chính Nhà nước đã đẩy phim truyền hình vào tình trạng đáng rung chuông báo động như hiện nay”.
Đâu là lối thoát?
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề nghị một cơ chế mà người làm ra sản phẩm tốt sẽ được hưởng lợi. Anh cho rằng đài truyền hình chỉ cần chia lợi nhuận một mức hợp lý là NSX tự biết cách làm phim hay để thu hút quảng cáo. Cơ chế này khác với cơ chế hiện nay: NSX kiếm lời từ việc tiết kiệm chi phí, cạnh tranh giảm giá và kể cả có quan hệ cá nhân.  
Chất lượng phim truyền hình phụ thuộc nhiều vào cơ chế
 Nhà biên kịch Thuỳ Linh đề xuất: “Thay vì đài đặt hàng, các NSX chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm của họ và đem chào bán cho các đài. Có thế mới loại khỏi sân chơi những nhà sản xuất thiếu nghề và vô trách nhiệm”. Suy cho cùng, đề xuất này cũng trở về vấn đề cơ chế. Liệu đài truyền hình có sẵn sàng trả giá cao cho những phim đạt chất lượng hay lại áp dụng cơ chế cào bằng, để đến nỗi phim có kinh phí lớn không tìm được đầu ra?
Còn nhà văn Tô Hoàng bày tỏ thái độ “giận dỗi”: “Cứ để mặc tình trạng sa sút, kém cỏi của phim truyền hình tồn tại. Tự nó sinh ra khách, tự nó sẽ đuổi khách đi. Tự nó tạo vốn quay vòng và tự nó dần cạn vốn như con lạc đà giữa sa mạc. Tự nó mở đường và tự nó đâm đầu vào ngõ cụt”. Trước thông tin VFS (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam tại TP.HCM) hứa sẽ làm một loạt phim mới về chất, khác hẳn những phim đã ra lò trong thời gian qua, ông kết luận có phần cay nghiệt: “Vẫn đồng tiền đầu tư ấy, vẫn những người hành nghề cũ, họ sẽ làm cuộc cách mạng ấy bằng ý muốn chủ quan và quyết tâm suông hay sao đây?”

 Kim Vân - Theo báo Đất Việt
Đọc toàn bài!

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

“Không độc lập, Quốc hội chỉ là cơ quan hình thức”

       Vai trò  của chức năng giám sát Quốc hội, thực trạng và đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi… là một số nội dung trọng tâm được thảo luận trong Hội thảo Hoạt động giám sát của Quốc hội trong cơ chế giám sát quyền lực nhà nước, tổ chức ngày 03/06/2011. 
Quốc hội phải độc lập  
“Sinh sau đẻ muộn” so với chức năng hành pháp, song giám sát ngày càng trở thành chức năng chính yếu, thậm chí vượt cả lên trên chức năng lập pháp. “Giám sát là số 1, sau đó mới đến lập pháp”, đó là quan điểm của TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện giám sát lại đang là  chức năng yếu nhất trong các chức năng của Quốc hội. Từ kinh nghiệm tham gia ba nhiệm kỳ đại biểu quốc hội, TS. Phạm Quý Tỵ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cho biết trong các báo cáo cuối nhiệm kỳ, chức năng giám sát luôn được xếp “đầu bảng” yếu kém. 

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, vì vậy giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao. Song, ở cơ chế hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn: quyee luật là tối cao nhưng thực chất việc thực thi quyền lực lại rất hạn chế, chưa hiệu quả. 
Sở dĩ  như vậy, theo GS.TS. Đào Trí Úc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, là do quốc hội vẫn còn là chủ thể mang “tính đại diện chung chung” cho quyền lực nhà nước, mà còn thiếu chế tài, tính bắt buộc để hiện thực hóa quyền lực này. “Cơ chế giám sát Quốc hội phải từ hình thức giám sát chính trị đơn thuần sang giám sát chính trị - pháp lý”, ông Úc nhận xét.  
Muốn hoạt  động hiệu quả, một điểm cốt yếu là  Quốc hội phải độc lập, “Quốc hội chỉ là cơ quan hình thức nếu như không độc lập”, TS.Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật), khẳng định.  
Điều này thể hiện ở chỗ Quốc hội phải có quyền. Ví dụ, nếu chính phủ hoạt động yếu kém thì phải có quyền bãi nhiễm chính phủ, đưa vấn đề ra chất vấn mà không trả lời được thì có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, v.v… 
Các thành viên hội thảo cũng chỉ  ra nguyên nhân và giải pháp từ khía cạnh chủ thể giám sát: trong giám sát quốc hội, chủ thể giám sát không chỉ là quốc hội, mà còn là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc các Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội, rồi đại biểu quốc hội.  
Trong đó, theo TS. Phạm Quý Tỵ, “chủ thể giám sát quan trọng nhất là Hội đồng dân tộc các Ủy ban”. Vì vậy cần tập trung đầu tư vào chủ thể này. Ngoài ra, TS. Phạm Quý Tỵ còn đề nghị cần nghiên cứu sửa luật tổ chức Quốc hội để giao cơ chế điều trần cho Hội đồng dân tộc các Ủy ban.  
Một giải pháp khác được hội thảo đưa ra là tăng cường các hoạt động hậu giám sát. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Quốc hội, hoạt động này “có tác động rất lớn đến hiệu quả giám sát”. Tuy nhiên bà Thoa cũng thừa nhận, hiện hoạt động hậu giám sát vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các kế hoạch và kinh phí. 
Chất vấn Quốc hội: nghe rất sướng nhưng… 
Theo nhiều  ý kiến đánh giá, trong 5 hình thức của hoạt  động giám sát hiện nay (giám sát văn bản; Văn bản quy phạm pháp luật; Chất vấn và trả lời chất vấn; Giám sát chuyên đề; Bỏ phiếu tín nhiệm) thì “rôm rả” nhất và thực hiện tốt nhất là chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn đã trở nên có hiệu quả thực sự, rất được cử tri quan tâm theo dõi chứ không phải chỉ mang tính hình thức. 
Dẫn chứng cho nhận định này, một thành viên hội thảo chỉ ra hiện nay thậm chí một số bộ trưởng sợ chất vấn. Từng có những vị trưởng ngành gặp từng đại biểu quốc hội “xin tha” chất vấn tại nghị trường quốc hội. Việc chất vấn nghiêm túc cũng khiến các lãnh đạo đầu ngành cẩn trọng hơn khi đưa ra lời hứa, thậm chí… sợ không dám hứa. 
Tuy nhiên, ngay cả hoạt động chất vấn dù đã được cải tiến nhiều và thể hiện rõ không khí dân chủ ngày càng tăng, nhưng thực chất hiệu quả của hoạt động này vẫn còn là vấn đề cần xem xét. GS.TS. Đào Trí Úc nhận xét: “Chất vấn sôi nổi lắm, cũng có lúc dồn nén lắm, nghe rất sướng nhưng cuối cùng chỉ đến thế, chỉ đến lời hứa nhưng sau đó làm thế nào, hiệu quả bao nhiêu…? 
Một điểm yếu nữa của hoạt động này là thiếu “trọng tài” để đứng ra phân xử. Người trả lời chất vấn đã trả lời thỏa đáng chưa, nếu chưa thỏa đáng thì có thể đi tới bỏ phiếu tín nhiệm hay không? Điều này hiện nay đang bỏ ngỏ, rất hạn chế, phần đánh giá cuối cùng vẫn còn nhẹ nhàng, phần tổng kết còn chung chung, việc đánh giá kết quả thực hiện vẫn chưa rõ ràng.  
Quốc hội có nên giám sát các vụ án cụ thể? 
Một vấn  đề còn gây nhiều tranh cãi cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo là liệu Quốc hội có nên thực hiện việc giám sát các vụ án cụ thể. Với vai trò là cơ quan giám sát tối cao, liệu hoạt động giám sát này có khiến Quốc hội “sa đà” vào cây mà quên mất rừng? 
Có  một thực tế là rất nhiều vụ dân khiếu nại, đưa lên các cơ quan chức năng nhưng không giải quyết được, cuối cùng phải đưa ra Quốc hội và nhờ Quốc hội mà tháo gỡ được.  
Từ  thực tế công việc, TS. Phạm Quý  Tỵ chỉ ra mỗi tháng ủy ban tư pháp của ông nhận được khoảng 700 đơn của dân yêu cầu thực hiện giám sát vụ án cụ thể (1 năm gần là gần 10.000). 
Hội  đồng thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất của nhà nước, nhưng thực tế cho thấy không ít vụ án dù đã được đưa lên tận cấp cao nhất này nhưng vẫn bị xét xử oan sai. “Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, hình thức giám sát như vậy là cần thiết”, ông Tỵ nhận định. 
Vấn  đề quan trọng là Quốc hội sẽ  giám sát tới đâu, trong phạm vi nào. Các thành viên hội thảo đều nhất trí vai trò giám sát này sẽ không đồng nghĩa với việc Quốc hội làm thay hay “giẫm chân” lên vai trò của các cơ quan khác. Vấn đề cần thiết là phải xây dựng các tiêu chí để xác định được những vụ án, bản án nào cần đưa ra trước quốc hội.
Quốc hội cũng không thể làm thay nhiệm vụ giám đốc thẩm, nhưng ít nhất cũng phải làm một số vụ án để có cơ sở chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác xét xử, đoàn thẩm phán sai đúng như thế nào, cần đào tạo ra sao, v.v… từ đó đưa ra kiến nghị. Giám sát chứ không làm thay, đưa ra kiến nghị chứ không bãi bỏ bản án.  
Mỹ  Hòa (thực hiện)
Theo Vietnamnet.vn
Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Sáng 5/6/2011- Tuần Hành Ôn Hòa Phản Đối Trung Quốc Tại Đại Sứ Quán TQ và Lãnh Sự Quán TQ TP.HCM

VIETNAMESE DEMONSTRATE AND PARADE AGAINST BAD BIG NEIGHBOUR - 5th/June/2011
"Các Vua Hùng Đã Có Công Dựng Nước, Bác Cháu Ta Phải Cùng Nhau Giữ Lấy Nước"


Ảnh: Lê Tuấn Anh

Tuần hành phản đối Trung Quốc sáng ngày 05/06/2011    Ảnh: Nguyễn Xuân Diện
Tuần hành phản đối Trưng Quốc sáng ngày 05/06/2011  Ảnh: Trần Nhương
Niềm Hân Hoan Được Thể Hiện Lòng Yêu Nước Của TS. Nguyễn Xuân Diện   Ảnh: Anh Ba Sàm

 
Ai Cũng Có Quyền Thể Hiện Lòng Yêu Nước
THỦ ĐÔ HÀ NỘI
THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC

Lãnh đạo đất nước cần thấm nhuần lời dạy của bác:
"DỄ MƯỜI LẦN KHÔNG DÂN CŨNG CHỊU, KHÓ TRĂM LẦN DÂN LIỆU CŨNG XONG"
Đọc toàn bài!

Bản đồ Người Việt Nam Tại Nha Trang Sáng Ngày 5/6/2011

(TNO) Sáng nay 5.6, tại quảng trường 2-4, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên cùng nhau nối vòng tay lớn, xếp hình bản đồ Việt Nam dài hơn 43m, chiều ngang từ 1,6m đến gần 13m. Tổng cục Biển đảo và Hải đảo VN đã đăng ký và được Trung tâm sách Kỷ lục VN chính thức công bố đây là bản đồ Việt Nam được xếp với số người tham gia nhiều nhất.
Xếp hình bản đồ Việt Nam bên bãi biển Nha Trang - Ảnh: Lê Bá Dương
Nhóm thể hiện quần đảo Hoàng Sa
Nhóm thể hiện quần đảo Trường Sa
Theo Thanh Niên Online.
Đọc toàn bài!