VIỆT NAM VÀ CHÚNG TA

       Đã 36 năm thống nhất đất nước, 66 năm tồn tại chế độ đương thời, xã hội đã có những thay đổi, đã có những tiến bộ nhưng  mâu thuẫn giai cấp đã phát triển và ngày càng sâu rộng. Văn hóa xã hội xuống cấp trầm trọng(thể hiện qua số lượng và chất lượng những tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, lối sống, quan hệ làng xã...). Phụ huynh xếp hàng dài để nộp hồ sơ xin học cho con từ cấp mầm non..., tội phạm thì không lo...chỗ ở, vậy thì trường học hay nhà tù nhiều hơn?.
        Đặc quyền đặc lợi chỉ dành cho một nhóm người và chuyển tiếp cho con cháu của họ mặc dù đó là tài sản chung của cộng đồng(như tài nguyên, thuế khóa...). Cộng sản hay công sản, tài sản xã hội nhưng được quản lý bởi một số người do đó họ có đặc quyền đặc lợi và vì thế họ có thể chuyển, ban phát đặc quyền đặc lợi đó cho một số người khác mà thường là con cháu, họ hàng hoặc những người mang lại lợi ích lớn hơn cho họ_tạo nên một giai cấp.
       Thế nghĩa vụ của họ là gì? Họ có trách nhiệm quản lý xã hội bao gồm tài sản và con người theo chiều hướng là: đãm bảo tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ, công bằng xã hội. Nhưng nếu đạt được công bằng xã hội thì lại tổn hại đến đặc quyền đặc lợi của họ! Kiểu như chống tham nhũng vậy.
Tại sao phải chống tham nhũng? Vì sức ép dư luận, vì sự phát triển của đất nước.
Ai chống tham nhũng? Người có quyền.
Ai thì có thể tham nhũng? Chắc chắn không phải điêu dân.
Vậy thì chống ai, ai chống mà chống thì chống ai....? Thôi nhé! chịu sức ép đó vậy.
(Chính phủ chúng ta đã thành lập ban "chỉ đạo" phòng chống tham nhũng rất hùng hậu từ trung ương đến địa phương bao gồm những người rất có quyền, quyền rất to tuy nhiên hiệu quả lại rất nhỏ...)
       Chúng ta hiểu rằng đã ở vị trí lãnh đạo thì phải có quyền lợi tương ứng ví dụ như thủ tướng Nhật chẵng hạn: Ông ấy có nhiều quyền lợi, tuy nhiên ông ấy cũng phải ngày đêm lao động để tạo nên lợi ích cho xã hội, tạo nên lợi ích cho nước Nhật. Nếu Naoto Kan không tạo được lợi ích gì tức thì ông ấy và thuộc hạ sẽ phải nhường vị trí cho người khác(ai buộc ông ấy phải làm việc này?).
Do cấu trúc thượng tầng xã hội Việt Nam dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa lợi ích và trách nhiệm, nghĩa vụ không thể giải quyết.
Vậy cấu trúc nào mới có thể tạo ra sự phát triển, tạo nên động lực, khuyến khích xã hội...
Cấu trúc, mô hình xã hội Việt Nam hiện nay đã lạc hậu và lỗi thời, có kìm hãm sự phát triển, tiến bộ?

 KINH TẾ NHÀ NƯỚC
 
          Các công ty, tập đoàn, ...thuộc quản lý nhà nước chính là một sản phẩm, một bản sao thu nhỏ của mô hình lớn. Nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa trên động lực là những anh cả đỏ này. Họ không những không trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế đi lên vượt qua khủng hoảng mà lại trở thành tác nhân phá hoại nền kinh tế, đầu tư công tùy tiện, thiếu tính khoa học cộng với quản lý yếu kém đã tạo nên áp lực lạm phát phi mã như hiện nay: Vốn lớn, hiệu quả thấp, thất thoát nhiều. Tài nguyên bị  lãng phí, cạn kiệt...Nhìn ra rộng hơn: những tổ chức, cơ quan đoàn thể, trung tâm, viện...do nhà nước quản lý đều trong tình trạng làm ăn đối phó, chộp dật, gian dối kể cả bệnh viện và trường học cũng không là ngoại lệ. Họ quản lý tài sản lớn, tuy nhiên nó không phải của họ, lợi nhuận hay thua lỗ của công ty không quan trọng bằng bao nhiêu tiền có thể chảy vào túi riêng. Cái họ đào sâu suy nghĩ để  làm sao cân đối sổ sách, chứng từ cho hợp lệ chứ không phải chất lượng sản phẩm hay lợi ích người lao động...Có được sự ưu đãi vè chính sách, vốn...mà các đơn vị khác phải thèm muốn tuy nhiên họ đã không phát huy được lợi thế của mình mà còn tạo nên sự bất bình đẵng trong cạnh tranh thương mại, tác động tiêu cực lên khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh...
           Nếu chủ đầu tư là một đơn vị nhà nước(Cty nhà nước, các tổ chức như bộ, ban, ủy ban, hội...) thì công trình đó thường là kém chất lượng, thất thoát tài sản. Các bạn cứ nhìn các công trình đầu tư và quản lý của Vinashin, Than Khoán Sản, Điện lực,..thì sẽ thấy rất rõ. Tập đoàn Dầu Khí có chút khác so với các tập đoàn còn lại là do họ có nhiều công ty liên doanh với Nga, Anh, Mỹ, Malaysia...do vậy phải làm việc theo cách quản lý, tiêu chuẩn của họ, tuy nhiên vẫn mang đậm những đặc điểm cố hữu của doanh nghiệp nhà nước đặc thù. Để thấy rõ sự bất cập này chúng ta có thể so sánh với các tập đoàn, công ty tư nhân trong và ngoài nước thì sẽ không khỏi tiếc nuối.
          Trên đây chỉ là 1 hệ lụy từ mô hình quản lý hiện nay tạo nên. Thiết nghĩ vấn đề không nằm ở mỗi Công ty, đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân đó bởi vì bản thân nó cũng phải mô hình và hoạt động để phù hợp với cơ chế, cấu trúc chung hiện nay. Do đó nếu chúng ta lấy sự hiệu quả của các công ty tư nhân, liên doanh, cty nước ngoài làm tham chiếu, làm gương mẫu thì các thành phần nhà nước sẽ phải thay đổi lại mô hình, cấu trúc hoạt động, quản lý  một cách toàn diện. Và sự thay đổi này chỉ có thể sảy ra khi mô hình và cấu trúc thượng tầng thay đổi tương ứng.
           Đến đây chúng ta sẽ phải tìm ra một mô hình xã hội có tính khoa học cao hơn, đáng tin cậy hơn.


HIỆN TRẠNG KHÓ KHĂN VỀ CHỖ Ở CỦA NGƯỜI DÂN

Ước mơ một căn nhà ở các thành phố lớn VN hiện nay đã vượt khỏi tầm tay của đại đa số người lao động, công nhân, viên chức. Giá cả ngày một cao, cao một cách khó tưởng tượng nổi.
Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Hãy lướt qua một lượt ở HN, TP.HCM có rất nhiều những khu nhà cũ kỹ mà chúng ta vẫn gọi là nhà tập thể. Những khu nhà chung cư nay chủ yếu được xây dựng từ những năm 70, nó đã tồn tại và gắn bó với hàng vạn con người, nhiều thế hệ đã khôn lớn, lao động, trưởng thành từ những khu nhà như thế này. Nó đã phải đãm nhiệm vai trò ổn định chỗ ở cho cả một giai đoạn dài của lịch sử mà không được quan tâm đầu tư xứng đáng. Cho tới hiện nay các chung cư, nhà cao tầng mới hối hả mọc lên, tuy nhiên mục đích thì đã khác xưa rất nhiều. Nó được xây dựng lên để dành cho những gia đình "có điều kiện", những ai muốn đầu tư trục lợi....
       Một căn hộ chung cư 60m2 giá khoảng 1,5tỉ đồng, gia tài đó bằng 12,5 năm không ăn, không mặc, không tiêu, không được ốm đau bệnh tật của một người có thu nhập khá là 10 triệu đồng/tháng tính so với thời điểm này. Nếu bỏ qua các điều kiện kia cộng với lạm phát phi mã thì họ chỉ đi làm đủ nuôi miệng và trả tiền thuê nhà. Cuối đời thì về quê "an nghỉ".   
        Như vậy giai đoạn trước đây có thể nói đó là nhà ở xã hội. Người dân chỉ phải trả một lượng tiền thuê nhà nhất định cho nhà nước và họ có chỗ ở ổn định
        Còn hiện nay không có nhà ở XH, nhà nước bỏ mặc dân. Một khía cạnh nào đó còn tiếp tay cho dân phe lộng hành đầu cơ hưởng lợi từ chính sách. Đất đai thì hữu hạn, lại được giao cho một số đơn vị nhất định phân lô bán nền, kinh doanh do đó sảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng đẩy giá....
       Nếu chính quyền thực sự quan tâm đến đời sống người dân, quan tâm đến lợi ích quốc gia thì dù trong điều kiện khó khăn như thời kỳ sau chiến tranh chúng ta vẫn xây dựng được nhiều nhà ở, nhiều bệnh viện, trường học... phục vụ lợi ích xã hội. Rất nhiều công trình đang sử dụng hiện nay đã được xây dựng từ thời kỳ trước mà đến nay chưa có sự nâng cấp, cải tạo nào đáng kể. Vậy chính quyền không sâu sát, chăm lo đời sống người dân, xã hội thì họ quan tâm đến cái gì?
         Các vấn đề nổi bật hiện nay thể hiện rằng đó chính là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Chính quyền đã đầu tư, vương vãi quá nhiều tiền của vào đây. Ai cũng cảm nhận được rằng con tàu Vinashin đã làm hoen ố hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thế nào! 80 nghìn tỉ đồng thất thoát từ Vinashin tương đương với khoảng 53.300 căn hộ có trị giá 1.5 tỉ đồng hiện nay. Còn nếu sử dụng đất thu của dân(đền bù theo giá thị trường) cộng với 80 nghìn tỉ kia, tự hoạch toán đầu tư thì số lượng căn hộ có thể lên đến cả 100.000 căn hộ. (Chữ "nếu" kia thật là...buồn cười!)
          Vinashin chỉ là một ví dụ nhưng là một ví dụ điển hình không chỉ là cách làm ăn của doanh nghiệp nhà nước mà nó còn thể hiện một góc nhìn, một phần bản chất, thể hiện vấn đề quan tâm, tập trung của những người lãnh đạo_họ cho là đúng nhưng lại không có lợi cho đất nước.
          Như vậy câu trả lời cho việc khó khăn về nhà ở hiện nay đã có thể tìm được phần nào nguyên nhân:
- Sự không quan tâm của chính quyền đến nhu cầu nhà ở của người dân
- Chưa đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên hàng đầu
- Buông lõng trách nhiệm, buông lõng quản lý
- Sai lầm trong đầu tư dẫn đến lạm phát, giá cả leo thang...
Đọc toàn bài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét