Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

LỬA CHÁY

Lại một chủ nhật nữa đến gần
Đất nước đang chuẩn bị cho ngày khánh quốc
Ở nơi ấy, trại số 5 âm u hoang lạnh(Thanh Hóa)
Có một con người vẫn cháy mình thắp tiếp ngọn lửa tự do.

Hà Nội đã vào thu, Hỏa Lò đã có thêm những người yêu nước mới
Những nẻo đường, dòng đời vẫn hối hả lại qua
Chuyện mẹ cha, chuyện anh em, chuyện cơ quan, chuyện phường, chuyện phố...
Có ai hay chuyện cháy ở Hồ Gươm, cháy ở Hỏa Lò...!

Tường đá cao, thép gai cắt nhọn
Dùi cui, băng đỏ, xe buyt, côn đồ, truyền thông đen, đỏ...
Bắt, nhốt, bêu, bôi,...vì sợ hãi, vì ảo vọng lợi danh, vì quyền tham cố vị...
Xin hãy nhớ cho đây là ngọn lửa tự do, ngọn lửa lý tưởng, ngọn lửa của tâm hồn...

25/08/2011



Đọc toàn bài!

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

CẦN THỰC HIỆN LÝ TƯỞNG C/M THÁNG 8

Ông Tống Văn Công
 Cựu tổng biên tập báo Lao Động(1989-1994)
Tác giả: Tống Văn Công

Năm 2009, trong thư gửi Trung ương Đảng kèm bài "Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ", tôi có trích lời nhà văn Stephan Zweig: “Luôn có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước những tai họa lớn bằng sự bay của mình” (Triết gia F. Nietsche dự báo Thế chiến 2 trước 15 năm). Cùng thời gian đó, ông Nguyễn Trần Bạt, tác giả quyển Đối thoại với Tương lai đã phát biểu rõ ràng hơn: “Tôi cho rằng món nợ của những nhà cầm quyền ở Việt Nam đối với dân tộc này chính là dân chủ hóa xã hội… Nếu việc ấy không được thực hiện bởi họ thì dân tộc chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc cách mạng xã hội” (NXB HNV, 2010, trang 923). Tuy vậy, đã có một người cảnh báo sớm hơn 15 năm, đó là cụ Võ văn Kiệt, cho rằng Đảng “cần giương cao hai ngọn cờ dân tộc và dân chủ” để sớm thực hiện dân giàu nước mạnh, giảm sự tụt hậu so với các nước trong vùng, nếu chậm trễ “bỏ lỡ cơ hội này, sẽ là thảm họa cho đất nước, Đảng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo – chỉ vì không đáp ứng được đòi hỏi phát triển của đất nước” (Thư gửi Bộ chính trị ngày 9-8-1995).

Từ đó cho đến nay, nguy cơ đối với Đảng và chế độ không giảm đi mà mỗi ngày một tăng lên. Hiện nay độc lập dân tộc đang đứng trước sự đe dọa của ngoại bang còn nguy hiểm hơn những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Bởi vì giặc ngoại xâm ngày nay được nối giáo bởi giặc nội xâm, lại ngụy trang bằng mặt nạ đồng chí. Vận mệnh của Đảng bao giờ cũng phải gắn liền với vận mệnh dân tộc, nhưng đang bị ảo giác xui khiến, cố bấu víu vào đồng minh ý thức hệ!

Xin nêu ra 3 vấn đề bức xúc nhất:

1. Chủ nghĩa yêu nước bị thách thức nghiêm trọng

Đảng Cộng sản Việt Nam từ 5000 đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa hai cuộc kháng chiến 30 năm đến thắng lợi là nhờ khơi dậy được lòng yêu nước của toàn dân. Nhờ đó mà tuy rằng Đảng đã phạm không ít khuyết điểm rất nghiêm trọng, song vẫn được nhân dân thể tất, chờ đợi sửa sai và hy vọng đổi mới.

Điểm yếu có tính chiến lược của Đảng là gắn kết quan hệ đồng chí, đồng minh với một đảng, một nhà nước đã xâm chiếm lãnh thổ của nước ta, lại ngang nhiên tuyên bố lên án ta xâm chiếm trái phép biển đảo của họ. Những sơ suất ngày xưa do cả tin, do bị ru ngủ bởi ý thức hệ, hoặc do phải nín nhịn vì hoàn cảnh chiến tranh cũng đáng chê trách, nhưng nhân dân vẫn có thể hiểu được và rộng lòng tha thứ. Tuy nhiên sự việc không dừng lại, cứ mỗi ngày qua họa lệ thuộc, mối đe dọa mất nước lại hiện rõ hơn và những dấu hiệu mềm yếu, phe cánh với kẻ thù, gây nghi ngờ cứ lặp đi, lặp lại, khiến niềm tin trong lòng dân đối với Đảng cứ bị bào mòn từng ngày.

Không thể thực tâm với “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà Trung Quốc lại kiên quyết từ chối bàn bạc với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa họ đã xâm chiếm trái phép. Nhân dân ViệtNamchăm chú xem Đảng và Nhà nước mình làm gì để đòi lại Hoàng Sa, rất đau lòng khi nghe có ý kiến cho rằng đây là chuyện còn phải tiếp tục tới đời con đời cháu!

Nếu thực sự coi nhau là đồng chí, đồng minh thì khi không thỏa thuận được, cũng nên thẳng thắn bàn chuyện cùng đưa ra tòa án Quốc tế để tìm sự khách quan, công bằng chứ?

Cách phản ứng của chúng ta, phần lớn là của người phát ngôn Bộ ngoại giao, nói như lấy lệ. Mới đây, Trung Quốc hợp tác với Pháp tổ chức khảo sát vùng biển từ Hoàng Sa đến Trường Sa hơn một tháng rưỡi, từ 13-6 đến 30 -7- 2011. Phía ta hoàn toàn im lặng! Thấy ta im lặng, chúng nắm được thóp, đã không thèm im lặng nữa mà hô toáng lên cho toàn thế giới biết. Ngày 2-8 Tân Hoa xã dõng dạc phát tin! Vậy mà phải mất đến 6 ngày sau, người phát ngôn Việt Nam mới yếu ớt lên tiếng bằng hình thức trả lời báo chí, sau đó các báo đều đăng tin ở trang trong! Chúng ta lúng túng vì có Pháp? Đứng sau Pháp là EU và Mỹ, vậy phải làm gì để giữ EU và Mỹ về phía mình trong “ván cờ” Biển Đông của Trung Quốc”? Nếu như tình trạng dân chủ, nhân quyền của ta không khả quan hơn Trung Quốc thì các nước đó sẽ cân nhắc, chọn phía nào cho họ nhiều lợi ích hơn! Bởi vì khi phải hợp tác, giúp đỡ một quốc gia thiếu dân chủ, họ còn phải chống đỡ sự chất vấn của nhân dân họ.

Trong khi Trung Quốc không ngừng hăm he, đe nẹt Việt Nam thì chúng ta lại cố sức chiều ý chúng một cách khó hiểu: Bất chấp ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết liên tục 3 lá thư, bất chấp kiến nghị của hàng ngàn công dân gồm có nhiều đảng viên trung cao cấp, lão thành cách mạng, trí thức và đồng bào trong ngoài nước can ngăn hợp tác với Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên, để cho Trung Quốc đặt chân vào một vị trí chiến lược xung yếu; có thể gây ra thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hơn 20 triệu đồng bào; và cuối cùng là nó không đem lại hiệu quả kinh tế.

Suốt mấy tháng nay lại thêm chuyện nhân dân hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai bức xúc kêu cứu vì xe chở bauxite sẽ phá nát đường sá, nguy cơ gây ra rất nhiều tai nạn giao thông!

Lòng dân càng bức xúc, tại sao cho Trung Quốc thuê hàng ngàn hecta đất “trồng rừng” thời gian 50 năm với giá rẻ mạt? Những vùng này là phên dậu quốc gia, từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, đến Quảng Nam… Từ đây, người dân ViệtNamkhông được phép bén mảng tới đó! Rồi vì sao 90% các công trình công nghiệp đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, hàng chục vạn lao động cơ bắp của Trung Quốc theo chân các công trình do họ trúng thầu rải từ Bắc vàoNammà không có biện pháp ngăn chặn? Chỉ riêng khu khí điện đạm ở Cà Mau đã có 1056 lao động Trung Quốc, phần lớn không có tay nghề!


Trong khi chưa đủ thời cơ dùng biện pháp quân sự xâm chiếm nước ta, Trung Quốc tận dụng sức mạnh mềm để biến nước ta thành chư hầu, thuộc địa kiểu mới. Chúng có ý thức rất rõ việc gây chia rẽ giữa nhân dân ta với Đảng và nhà nước, vì biết đó chính là nguồn sức mạnh quan trọng bậc nhất trước họa ngoại xâm. Cuộc biểu tình của nhân dân chống Trung Quốc xâm lược năm 2007, bị đàn áp đã gây rạn nứt lớn đầu tiên giữa dân với Đảng, nhà nước. Một số người tham gia biểu tình ngày đó đã phải bỏ nước xin tị nạn ở nước ngoài. Từ tháng 6-2011 đến nay, cách đối phó của các tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng cảnh sát ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đối với các cuộc biểu tình yêu nước gồm nhiều đảng viên, cán bộ, trí thức hàng đầu, đã phô bày trước mắt nhân dân Việt Nam và cả thế giới những hình ảnh phản cảm rất tệ hại! Nhân dân yêu nước bị nện dùi cui, bị kéo lê, ném lên xe như súc vật. Có người còn vu họ là bọn móc túi. Đỉnh cao gây ra phẫn nộ là vụ đảng viên Nguyễn Chí Đức bị một sĩ quan an ninh đạp vào mặt.

Tại sao quyền biểu tình được Hiến pháp ghi nhận, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành đã hơn 60 năm, nhưng người dân vẫn không được hưởng? Cách hành xử như vừa qua đang đặt Đảng cộng sản và nhà nước ViệtNamtừng ngày đối lập với chủ nghĩa yêu nước, với lòng dân. Đảng đang tự tước bỏ nguồn sức mạnh vô địch mà các bậc tiền bối của Đảng đã vùi xương ở Côn Đảo, Phú Quốc và các cuộc đấu tranh ngót một thế kỷ mới có được!

Tình trạng trên đây chính là nguy cơ lớn nhất đang đe dọa nền độc lập dân tộc thành quả của Cách mạng Tháng Tám!

2. Đẩy nhân dân về phía thù địch

Tất cả Nghị quyết Đại hội và Hội nghị Trung ương Đảng đều nhắc đến “mở rộng dân chủ”, nhưng những điều cốt lõi, gốc rể của dân chủ tới hôm nay vẫn còn xa vời. Mong muốn của Hồ Chí Minh chưa bao giờ thành hiện thực: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”; “Dân chủ là để cho dân được mở mồm ra nói”. Dân chủ chính là lý tưởng cao cả của Cách mạng Tháng Tám, thể hiện ở Tuyên ngôn Độc lập với những nội dung về quyền tự do, bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, đã được thể chế hóa bằng Hiến pháp 1946. Các quyền tự do, dân chủ, đã bị biến dạng sau khi các bản Hiến pháp sửa đổi có gắn thêm mấy chữ “theo pháp luật”. Pháp luật vi hiến mà không có tòa án Hiến pháp để ngăn chặn. Từ Đại hội Đảng lần thứ 4, “dân chủ” đã bị thay thế bằng “làm chủ tập thể”. Các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền đều phải được hiểu là cho cả toàn dân, cho từng giai cấp, từng giới, chứ không phải cho từng người. Khủng hoảng kinh tế, xã hội bắt đầu từ việc thi hành Nghị quyết Đại hội 4 khiến cho Đảng, nhà nước và toàn dân tộc lao đao suốt những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước!

Đổi mới đã đem lại dân chủ cho nhân dân trong làm ăn, các hoạt động kinh tế. Từ nay, từng người dân được quyền tự do làm ăn, được quyền bỏ vốn ra kinh doanh. Những ông “vua lốp” được ra tù và được đề cao (Nhân dân gọi ông Nguyễn văn Chẩn là “vua lốp”, vì ông có sáng kiến dùng lốp xe cũ làm dép lốp, dùng ni lông phế thải chế tạo bút máy, đắp lốp xe mòn thành lốp gần như mới. Do đó ông phải 3 lần vào tù và bị tịch biên gia sản). Kinh tế đất nước khởi sắc, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài lạc quan dự báo ViệtNamsắp hóa hổ, hóa rồng. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ đến nay tình hình kinh tế xã hôi không tiếp tục sáng sủa mà đang lâm vào khủng hoảng toàn diện. Nguyên nhân chính là vì dân chủ, tự do về chính trị và dân sự chưa được đến với mỗi người tương xứng với dân chủ về kinh tế. Tình hình xã hội nổi lên 3 vấn đề lớn:

Một là, giai cấp công nhân đã có hàng ngàn cuộc đình công, có những cuộc huy động gần 20.000 người, bị cho là bất hợp pháp vì không cuộc đình công nào do Công đoàn chỉ đạo theo quy định của pháp luật. Sáu tháng đầu năm nay, khắp nước số đình công đều tăng, tỉnh Bình Dương 150 vụ, 80.000 công nhân, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010; TP HCM có 132 vụ, 72.000 công nhân, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho rằng “vì tổ chức Công đoàn rất yếu kém không bảo vệ được quyền lợi công nhân”. Đó là tình trạng chung của Công đoàn cả nước hiện nay, nguyên nhân là vì giai cấp công nhân chưa có quyền dân chủ chọn ra đúng người đại diện của mình.

Hai là, nông dân bị mất đất đi khiếu kiện vượt cấp hàng chục năm không được giải quyết. Có hơn 70% các vụ khiếu kiện vượt cấp kéo dài liên miên là khiếu kiện của nông dân mất đất, đền bù với giá rẻ mạt. Thật trớ trêu là những người trong đội quân chủ lực của cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, nay lại kéo nhau đến trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ để cầu cứu! Nguyên nhân sâu xa là vì họ không có quyền dân chủ về sở hữu đất đai, Hội Nông dân cũng không đại diện bênh vực quyền lợi cho họ. Phần lớn các “đại gia” hiện nay là những kẻ nhờ có thân thế, chèn ép nông dân, kinh doanh đất đai mà phất lên chứ chẳng phải có tài năng quản trị kinh doanh. Đã vậy khi làm ra hạt lúa, nông dân lại bị các nhà xuất khẩu gạo chèn ép một lần nữa, nhiều khi buộc phải bán lúa dưới giá thành. Bi kịch ấy khiến Giáo sư Võ Tòng Xuân trong vòng 20 năm đã 2 lần đặt ra câu hỏi “Bao giờ nông dân mới giàu?”.

Ba là
, giới trí thức không có quyền dân chủ trong các hoạt động trí tuệ của mình. Việc nổi cộm là Viện IDS phải tự giải thể và bị buộc phải kiểm điểm. Nhiều kiến nghị yêu nước của trí thức không được xem xét, không ai trả lời, lại còn có xu hướng quy chụp, nghi ngờ họ có động cơ xấu!

Một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông Trần Xuân Bách sớm phát hiện ra sự khập khiễng của đổi mới chính trị không tương ứng với đổi mới kinh tế: Từng người đã có tự do kinh tế, họ đang yêu cầu phải được các quyền tự do dân sự và chính trị. Ông bị trừng phạt dù nội dung ông nêu ra đã được ghi trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, và đã được nhà nước ta gia nhập từ 24-9-1982, tức là trước Đổi mới đến 4 năm! Lời nói đầu Công ước này có câu: “Thừa nhận rằng theo Tuyên ngôn nhân quyền thì chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người tự do, được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”.

Tiếp bước ông Bách là Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chính ủy miềnNam, Phó chủ tịch Quốc hội cũng bị trừng phạt vì đòi tự do chính trị cho nhân dân.

Vừa qua, ông Nguyễn văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, thẳng thắn phát triển tư tưởng dân chủ chính trị đã bị lên án.

Nếu tỉnh táo Đảng cầm quyền sẽ nhận thấy rằng từ một Trần Xuân Bách năm 1990, ngày nay đã có hàng ngàn Trần Xuân Bách trong Đảng và nhân dân. Xin lắng nghe những ý kiến trong “Biên bản Hội thảo khoa học Hội Khoa học Kinh tế ViệtNamvà Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội quốc gia” có mục đích góp ý văn kiện Đại Hội 11. Cuộc hội thảo này gồm những người thuộc giới tinh hoa của Đảng và chế độ, gồm hai nguyên Phó thủ tướng là Trần Phương và Vũ Khoan, hơn 10 vị Giáo sư, Phó giáo sư, Thứ trưởng, Viện trưởng, những nhà lý luận hàng đầu hiện nay.

Xin trích từ biên bản:

…“Nhận định về quốc tế, về các nước xã hội chủ nghĩa đều sai”.

…“Phải nhằm vào cải cách chính trị chứ không phải chỉ kinh tế. Cải cách chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết thì không phát triển được”…

…“Phải xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng: Lãnh đạo ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Phải nhìn thẳng vào sự thật. Lừa được người ta chứ không lừa được thực tiễn đâu!”.

…“Loài người đi đến chỗ dân chủ. Nhưng thế nào là dân chủ? Đảng quyết hết mọi thứ mà không chịu trách nhiệm gì. Thế mới chết chứ!”.

…“Chưa bao giờ vấn đề nghiêm trọng như bây giờ. Dân không còn tin Đảng như trước nữa. Không ai quan tâm nữa. Cương lĩnh đầy rẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói xã hội chủ nghĩa mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác”…

Những điều các nhà lý luận hàng đầu nói trong cuộc hội thảo này đã chỉ rõ nguyên nhân đẻ ra tình trạng khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, đạo đức.hiện nay.

Trong phiên tòa phúc thẩm xử Cù Huy Hà Vũ, luật sư Trần Quốc Thuận so sánh nội dung Biên bản cuộc hội thảo do ông Trần Phương chủ trì nói trên với các bài viết của Cù Huy Hà Vũ là có quan điểm về tự do chính trị hoàn toàn giống nhau. Nhưng tại sao Cù Huy Hà Vũ lại bị xử tù? Tòa hoàn toàn không chấp nhận lời bào chữa của vị luật sư, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Phải chăng Cù Huy Hà Vũ là một loại “vua lốp” mới trong lĩnh vực tự do dân chủ về chính trị, cho nên ông phải đi tù, một khi lĩnh vực này chưa được đổi mới?

Điều cực kỳ nguy hiểm là sau phiên tòa, các cơ quan truyền thông chính thức bắt đầu đổi giọng khác thường, đẩy mạng Bauxite Việt Nam vào loại rác rưởi, và sau đó ít hôm đã xếp vào loại phản động! Mạng Bauxite Việt Nam là nơi đã đăng tải những bài viết cực kỳ quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Võ văn Kiệt, Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhiều vị lão thành cách mạng và trí thức yêu nước nêu những vấn đề thiết yếu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đăng gần 10 bản kiến nghị, mỗi bản có hàng ngàn người ký tên. Mạng Bauxite Việt Nam có hằng chục triệu người truy cập. Gọi mạng Bauxite Việt Nam là phản động, có nghĩa là đẩy tất cả những người có nguyện vọng dân chủ hóa đất nước về phía thù địch? Tiếp theo, trên báo Quân đội Nhân dân ngày 7-8-2011, một vị tướng, giáo sư còn gợi ý phải biết dùng súng đúng lúc! Lẽ ra phải chỉ cách dùng chiếc chìa khóa Dân chủ để mở ra khoảng trời tự do bao la cho nhân dân thì các vị “quân sư” lại đòi tăng thêm dùi cui và súng , để viết một trang sử máu kiểu Thiên An Môn cho nhân dân Việt Nam! Ôi, làm sao hiểu được!

Nên biết rằng, tất cả những hành vi chống dân chủ hóa, gây chia rẽ giữa Đảng với dân chính là phản bội lý tưởng Cách mạng Tháng Tám, là mở cửa cho giặc Phương Bắc!

3. Giặc nội xâm nối giáo cho ngoại xâm

Đại hội 8 năm 1996 kết luận tham nhũng là một trong “4 nguy cơ” đe dọa đất nước và uy tín của Đảng.

Mười năm sau, năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”.

Năm năm sau, 2011, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Chống tham nhũng là mong mỏi rất chính đáng và tha thiết của người dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi làm chưa xong!”. Trước đó một năm, ông nói với bà con Việt kiều: “Ở nước người ta muốn tiêu cực, tham nhũng cũng khó, vì hệ thông pháp luật của họ chặt chẽ. Còn ở nước mình thì có khi không muốn tham nhũng mà cũng động lòng tham”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cho rằng “Thể chế còn sơ hở”.

Từ năm 1997 đến nay chỉ số nhận thức tham nhũng của ViệtNamluôn luôn ở nhóm cuối bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

Đại hội 11 nhận định với lời văn có vẻ nhẹ nhàng: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, gây bức xúc xã hội”. Tuy nhiên, Đại hội 11 vẫn không đề ra một biện pháp phòng chống tham nhũng nào mới, vẫn tiếp tục dùng những vị thuốc đã lờn với con bệnh trầm kha và có chiều biến chứng: Nâng cao phẩm chất đạo đức đảng viên, cán bộ; tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao hiệu quả các cơ quan chức năng; thực hiện dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, phát hiện; cải cách tiền lương. Mới đây, có chính sách khen thưởng cho người dân dám phát hiện tham nhũng.

Tại sao cơ quan chống tham nhũng không thấy rằng, những vụ tham nhũng lớn chưa bao giờ do người dân phát hiện được? Tất cả đều do mâu thuẫn nội bộ trong các cấp ủy Đảng, họ moi ra để hạ gục đối thủ, và thường rộ lên trước các kỳ Đại hội ở mọi cấp, mọi ngành. Bà Lê Hiền Đức, người được Tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm Chính năm 2009 kể: “Ở cấp nào bọn tham nhũng cũng có ô dù cả. Chúng bao che nhau, bảo kê cho nhau, mình không thể cựa được. Tôi nộp cho Thanh tra nhà nước 214 hồ sơ, họ đến nhà tôi chở đi, nhưng không thấy xử lý xong vụ nào!”.

Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố một tài liệu nghiên cứu có tên “Liêm chính trong thanh niên Việt Nam”. Họ đã phỏng vấn 1022 thanh niên từ 15 đến 30 tuổi ở 11 tỉnh thành, đưa ra những số liệu như sau: 32% cho rằng đưa tiền, quà biếu cho bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn là hành vi không sai; 35% sẵn sàng “nới lỏng” định nghĩa về tham nhũng, nếu điều ấy mang lại lợi ích kinh tế; 60% nói muốn tố cáo tham nhũng, nhưng chỉ có 4 người trong số đó đã từng tố cáo. Lý do khiến họ không tố cáo là vì “Đó không phải là việc của tôi” và “Tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì”! Số đông cho rằng tham nhũng là “hiện tượng bình thường”. Kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy ít nhất 3 điều:
Một là, chống tham nhũng bằng cách vận động nhân dân tố cáo không thể đạt hiệu quả.
Hai là, tham nhũng đang làm ô nhiễm môi trường xã hội, các thế hệ trẻ sẽ không còn biết quý trọng phẩm chất liên chính nữa;
Ba là, tham nhũng trở thành bình thường sẽ làm mục ruỗng hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy cơ chế hiện nay không giúp các trưởng ban chống tham nhũng “miễn dịch” đối với tham nhũng, càng không thể cho họ khả năng chống tham nhũng ở địa bàn do mình phụ trách. Ông Chủ tịch kiêm Trưởng ban chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình không thể ngăn chặn được ông Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng Đinh văn Hùng buôn bình cổ, trống đồng có giá hằng triệu USD. Còn tăng cường giám sát, kiểm tra? Gần 10 cuộc thanh tra vẫn không phát hiện được Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình cố ý làm trái và Vinashin đang bên bờ vực phá sản!

Tham nhũng đã giúp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các công trình, đưa thiết bị cũ kỹ cho công nghiệp ViệtNam. Tham nhũng làm cho đầu tư không hiệu quả, chỉ số ICOR của Việt Nam cao nhất khu vực, lạm phát đứng thứ 2 thế giới, thứ nhất châu Á, biến một Đảng cách mạng thành một Đảng tham nhũng!

Chẳng lẽ lời cảnh báo của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ phải trở thành định mệnh của Đảng và chế độ này?

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã dũng cảm và trung thực khi viết rằng: “Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng nghiêm trọng tệ tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và xã hội, ta càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là lỗ hổng và yếu kém nhất trong hệ thống tam quyền của nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế”. Tiếc thay ý kiến của ông từ năm 2009, không được Bộ Chính trị của Đảng chú trọng. Hội đồng lý luận, Ban soạn thảo văn kiện Đại hội 11 không hề nhắc tới, có lẽ vì sợ không đúng với pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoặc có gì đe dọa đến quyền lãnh đạo của Đảng chăng?

Mới đây một cán bộ tuyên huấn khi đến giảng Nghị quyết Đại hội 11 cho cán bộ, đảng viên ở quận 7 TP HCM, đã giải thích: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Giảng viên giải thích: “Đã là quyền lực của nhân dân thì tất nhiên là phải thống nhất, chứ sao lại có thể chia cắt, có thể phân lập được?”. Thật là ngô nghê, không hiểu rằng, Nhà nước là công cụ của nhân dân, nhân dân hoàn toàn có quyền chia các công cụ của mình ra thành bao nhiêu ngành, nhánh, sao cho việc quản lý hiệu quả nhất, ít sơ hở nhất! Có ai đòi chia nhân dân ra làm ba đâu? Hay vì sợ tam quyền phân lập sẽ làm mất quyền lãnh đạo của Đảng?

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cũng đã giải đáp: “Khi đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa thành Hiến pháp thì Hiến pháp phải là cao nhất chứ không phải Đảng cầm quyền khi thực thi quyền lực nhà nước!”. Lại tiếc thay, ý kiến này cũng không được lắng nghe!

Lý thuyết về phân lập ba quyền không hề cao siêu, nó được nhân loại biết đến mấy ngàn năm trước và được hoàn chỉnh mấy trăm năm nay, áp dụng ở hàng trăm quốc gia, nhằm hạn chế sự lộng hành khi con người nắm quyền lực. Nếu không thực hiện sự phân lập ba quyền thì không thể có tư pháp độc lập, không thể có “tòa án là pháo đài của tự do”, do đó tham nhũng sẽ không hề sợ bất cứ hình thức thanh tra, kiểm tra nào!

Từ muôn đời, giặc ngoại xâm luôn luôn tìm bọn nội xâm làm tay sai cho chúng! Những người ViệtNamyêu nước không quá khó nhận ra mặt mũi nhem nhuốc của chúng!

******

Ba “tử đạo” nói trên quan hệ hữu cơ với nhau, kết thành một tổng lực tác động từng ngày vào cuộc sống và trí não của nhân dân. Nếu không sớm ngăn chặn thì không thể tránh khỏi điều mà nhiều người đang nói đến: Một cuộc cách mạng dân chủ! Đó sẽ là sự đổ vỡ rất lớn của quốc gia, một gánh nặng quá sức chịu đựng đối với nhân dân, và là một tặng phẩm vô giá cho kẻ thù phương Bắc! Tuy nhiên, khác với các nước Bắc Phi, Đảng và nhà nước Việt Nam dù đã quá hoang phí uy tín của mình được vun đắp nên từ quá khứ, cho đến nay vẫn chưa phải đã hoàn toàn cạn kiệt. Vấn đề là đã đến lúc phải “báo động đỏ”, để không né tránh mà nhanh chóng dân chủ hóa xã hội. Đại hội 11 đã quyết định: “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị…”, tuy nhiên lại đề ra điều kiện “theo lộ trình thích hợp”. Điều đáng lo là lộ trình ấy sẽ kéo dài tới bao lâu? Xin đừng để nước đến chân mới nhảy!

Tôi vẫn muốn nhắc lại sự so sánh về ưu thế giữa Đảng Cộng sản ViệtNamvới Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (tiền thân là Đảng Cộng sản và nay là Đảng nhân dân Campuchia). Đảng bạn đã dũng cảm đổi mới triệt để, đến nay, sau mười năm Đảng bạn đã mạnh lên tuyệt đối. Đó là bài học rất quý báu.

Tuy nhiên chúng ta đã có sẵn bài học của Cách mạng Tháng Tám: Lý tưởng tự do, dân chủ sẽ khơi dậy nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân, chiến thắng kẻ thù dù chúng rất hung hãn và nham hiểm, bảo vệ thành công độc lập của Tổ Quốc.

Kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng Tháng Tám

Nguồn BVN
Đọc toàn bài!

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

MỘT BỨC THƯ TỪ ĐỨC GỬI TS CÙ HUY HÀ VŨ

Thư gửi người bạn trong tù

Anh Cù Huy Hà Vũ thân mến,
Vậy là người ta đã kết án anh, một mức án nặng nề ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Tôi được tin này qua radio Sachsen khi đang lái xe trên đường cao tốc. Sáng ngày 3 tháng 8 trên trang nhất báo in của Đức, tất cả dường như đều có hình của anh, hai bàn tay nắm chặt, hiên ngang và bình thản. Hình ảnh anh làm bật dậy hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân. Người chiến sĩ hiên ngang ngã xuống, dáng của anh được tạc vào đất, vào nước, vào lòng nhân dân, và là dáng đứng của thế kỷ .Người lính ấy ra đi thanh thản như vừa cày xong thửa ruộng vì anh biết rất rạch ròi, anh chết bởi viên đạn của kẻ thù. Còn anh, có lẽ cay đắng hơn nhiều vì không có ranh giới rạch ròi đó, và chẳng ai là kẻ thù, họ đều là đồng chí, đồng đội của gia đình dòng họ anh. Người cha kính yêu của anh là một trong những người khai sinh ra nó. Để rồi tiếng kêu của anh như viên đá ném tõm xuống ao bèo trong đêm vắng.

Tôi không có thói quen đọc báo chí của nhà nước (trong nước) nên không rõ họ bình luận hay đánh giá gì về anh, nhưng báo Đức, họ không đồng tình với bản án này. Một bản án nặng nề, phi lý đã đóng cọc lên một con người đang bệnh tật như anh.

Tôi là người ít quan tâm đến chính trị, pháp luật nên rất dốt về khoản này. Nói như vậy không phải tôi không có những chính kiến riêng của mình. Nên khi biết tin anh phải cõng đến 7 cái xiềng chặt và 3 xiềng lỏng, tôi điện về cho ông cậu nguyên là Chủ tịch quận nơi anh cư ngụ, cũng là bạn của anh (ngày còn ở Paris anh hay gọi là sếp). Ông chép miệng, bảo: Vũ nó cho toa nặng đô quá, bệnh nhân sốc, chịu không nổi, phản thuốc có lẽ từ từ tốt hơn. Tôi hiểu ý của ông, nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Con siêu vi trùng này đang tàn phá quá mạnh và người bệnh đang bên bờ hiểm nguy, nếu không dùng toa thuốc nặng đô đó e rằng không khống chế được nó. Phương thuốc từ từ của ông có lẽ chỉ giành cho những liều thuốc bổ để bình phục cơ thể của người bệnh, sau khi con trùng bị khống chế, và tiêu diệt.

Anh Vũ thân mến!

Người ta gán cho anh cái tội đòi đa đảng, lật đổ và phỉ báng chính quyền. Trời đất ạ! Một con người bệnh tật như anh, đảng phái thì không, không hiểu anh dùng sức trói gà của mình tuyên truyền, cổ động được ai để chống lại chính thể được trang bị hùng hậu đến tận răng như vậy. Mấy ngày nay tôi tìm đọc gần hết những bài viết (công khai) của anh gửi đảng và chính phủ Việt Nam, và những bài viết trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài. Thật sự tôi thấy những bài viết, những góp ý đó, dường như anh đang đứng về phía đảng và chính phủ VN, để giải cứu Đất Nước trong giai đoạn khó khăn, nguy hiểm hiện nay là đằng khác. Viết cho anh đến đây, tôi sực nhớ một bài viết đâu đó về ông cựu Thủ tướng Helmut Kohl, người có công phá bỏ bức tường Berlin để đi đến thống nhất nước Đức. Ông nói với các cố vấn (berater) của mình, trong một cuộc họp (đại ý): Tôi luôn luôn cần ở các anh những ý kiến, ý tưởng khác với suy nghĩ của tôi kìa.

Có những lãnh đạo như vậy, một nước Đức bị tàn phá, chia cắt, sau một thời gian ngắn họ đã có nền khoa học, kinh tế, luật pháp đứng hàng đầu thế giới là điều dễ hiểu phải không anh?

Anh có lẽ là người đặt viên gạch đầu tiên thực thi cái quyền cơ bản nhất của con người (VN) mà bấy lâu nay nó chỉ nằm trên giấy. Anh kiện người đứng đầu chính phủ vì anh thấy việc làm của họ là sai, đi ngược với quyền lợi của nhân dân, đất nước. Có lẽ cả nước bị bóp, thiến cái dạ dày, bao tử đã quá lâu, nên khi chúng ta có một chút no đủ, tính ích kỷ trỗi dậy chỉ lo ki cóp, bảo vệ cái nhỏ nhoi đó. Do vậy những việc làm của anh họ cho là chập chập cheng cheng, không bình thường, nhưng với người ít am hiểu luật pháp như tôi, hay những bà bán rau, bán bánh mì ở Đức này đều cho là rất bình thường.

Đầu năm 1999 ông Schröder vừa lên nhậm chức Thủ tướng CHLB Đức, ông và cơ quan An ninh bị bà bán bánh mì và rau hoa quả (ở gần nhà riêng của ông) kiện lên Tòa án thành phố Hannover vì can tội dán biển cấm dừng xe ô tô trước cửa hàng của bà, làm trở ngại đến việc buôn bán, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình bà, và khách hàng.
Mặc dù thành phố và cơ quan An ninh xin đổi cho bà một cái cửa hàng khác đẹp hơn và đền bù thiệt hại. Nhưng bà không chịu, vì gắn bó cửa hàng này đã lâu và có nhiều khách quen thuộc bà ưa thích. Không biết do sợ thua kiện hay vì tình hàng xóm, ông Thủ tướng Schröder đã cho tháo biển cấm dừng xe, và vợ ông đã trực tiếp đến xin lỗi bà bán bánh mì. Sau này người ta thấy vợ chồng ông Thủ tướng vẫn thường xuyên đến mua bánh, hoa quả của bà. Báo chí thời gian đó nghiêng hẳn về phía bà bán bánh mì. Người ta lý luận cửa hàng có trước khi ông Schröder làm Thủ tướng và có cái bảng cấm kia, làm thế nào bảo vệ tốt cho ông Thủ tướng là nhiệm vụ của cơ quan An ninh, nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần người dân.
Đây là sự việc có thật, ông Schröder nay không còn làm Thủ tướng nữa, nhưng vẫn thường xuyên sang Việt Nam, tôi cũng mong có nhà báo nào đó gặp phỏng vấn, xem ông nói gì.

Thế hệ chúng ta thời trẻ đã đi qua chiến tranh, nên đã thấm hiểu, từng nắm đất của Tổ quốc được đổi bằng máu của cha anh. Do vậy tình yêu Tổ Quốc trong anh, chỉ có những người cố tình không nhận ra, nhằm phục vụ mục đích nào đó, để phủ nhận những việc làm của anh.

Trên giấy tờ và pháp lý, tôi hoàn toàn không còn là người Việt Nam và thời gian tôi sống ở Đức cũng nhiều hơn ở Việt Nam. Nhưng anh Vũ ơi! Không hiểu sao mỗi lần vén ống quần của mình lên, tôi lại thấy màu vàng vàng của váng đồng còn đọng lại nơi cổ chân. Những dăm bông, xúc xích không thể thay lúa gạo trong bữa ăn hằng ngày của tôi. Đêm đêm vẫn có hương lúa chín, và tiếng ve đầu phố ru tôi vào trong giấc ngủ. Từ những cảm nhận này, tôi đã hiểu được một phần nào tình yêu trong anh. Nhìn anh trong giờ tuyên án, tôi cảm thấy mình dường như nhỏ bé lại. Và bài Trường ca Tổ Quốc, tôi đã viết cách nay đã trên hai mươi năm vào dịp bức tường Berlin sụp đổ lại trở về:

“…Quê hương ơi! Con xin được gọi Người là mẹ
Người đã ru con từ thuở trong nôi
Người là những bài ca dao mà con đã thuộc
Những ánh trăng rằm soi sang đường thôn
Người là những cơn gió hè đưa con vào mùa gặt
Gọi nắng về làm cho thóc ai khô?
Người là những câu hò của người đi biển
Gọi cá về cho cuộc sống vui tươi
Người là những câu chuyện tình bất tử
Để đá vọng phu đứng đợi ai về?
Người là những trang hào kiệt nhất
Đưa con về với đời Lý, Trần, Lê…”

Mấy ngày nay đọc báo, tôi thấy người Tàu trà trộn vào Việt Nam nhiều lắm. Chính phủ cũng thú nhận có những nhà máy có hàng ngàn công nhân người Trung Quốc làm lậu. Cửa khẩu biên giới và bộ phận quản lý lao động với người TQ của ta sao lỏng lẻo quá vậy? Chắc anh cũng biết tội làm lậu ở Pháp, Đức và Châu Âu, ông chủ thuê và người làm sẽ bị phạt tù rất nặng. Cứ đà này không rõ người Tàu sẽ còn trà trộn vào những đâu và cơ quan nào của đất nước chúng ta. Chả lẽ những dự đoán của anh sẽ là sự thật sao?

Anh Vũ thân mến!

Vài lời riêng tư tôi muốn gửi đến anh, một người bạn đang bị tù đày. Nhưng tôi không có địa chỉ nơi giam giữ anh, nên đành phải gửi báo chí, những nơi yêu mến anh, may ra anh có thể nghe, hoặc đọc được, và biết rằng còn có những người bạn phương xa luôn nhớ đến anh. Mong anh giữ mình, người nào phát âm, hay nói ngọng xin anh hãy đề phòng tránh xa, biết đâu đó kẻ thù phương Bắc đang tìm đến anh. Vợ con, gia đình, bạn bè đang chờ đón anh.
14/8/2011
ĐỖ TRƯỜNG
Nguồn: BVN

Đọc toàn bài!

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT TRẢ LỜI PHỎNG VẤN HÃNG BBC

TS Nguyễn Minh Thuyết được xem là đại biểu Quốc hội sắc sảo
Cụ thể hóa Điều 4 Hiến pháp bằng luật?

Một cựu Đại biểu Quốc hội của Việt Nam vừa lên tiếng với BBC cho rằng Quốc hội khóa XIII cần cụ thể hóa việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có phương án sửa điều 4 về vai trò của Đảng Cộng sản.

Trao đổi với Quốc Phương, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên của Quốc hội, đưa ra một mô hình cải cách thể chế, theo đó Trung ương Đảng có thể trở thành Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện.

Theo Giáo sư Thuyết, cần quy định rõ "những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết," "những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết", và "những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định" để có thể có "địa chỉ chịu trách nhiệm” cho tất cả các quyết định.

Riêng về Điều 4, liên quan tới vai trò, vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản, GS Thuyết cho rằng nên soạn ra một đạo luật riêng sau khi đã sửa Hiến pháp để người dân biết được “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào.”

Ông Thuyết cũng lưu ý sửa Hiến pháp là một “quy trình phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.”

Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng bình luận về vụ xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cũng như phóng sự gần đây của VTV1 và quan điểm của tờ Quân Đội Nhân Dân về nội dung của các blog và ‘báo chí lề trái’ ở trong nước.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng việc kết luận ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, tội đến mức nào, thì việc ấy là việc của Tòa án. Mình không tiếp xúc được đầy đủ với hồ sơ, thì mình cũng khó có thể kết luận.

Nhưng tôi phải nói đây là một vụ án vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối. Từ khi bắt ông ấy ở khách sạn, cho đến việc ra xử sơ thẩm không có tranh tụng và ra đến xử phúc thẩm thì thực chất vẫn không phải là tranh tụng. Bởi vì khi luật sư người ta đưa ra ý kiến, thì cũng phải có sự tranh luận lại. Còn bây giờ mình không tranh luận lại mà mình vẫn kết án theo ý của mình, thì tôi nghĩ cái ấy không đúng với tinh thần cải cách tư pháp.
Ông Nguyễn Minh Thuyết phê phán cách thức xử án ông Cù Huy Hà Vũ
BBC: Sau phiên xử phúc thẩm với ông Hà Vũ, giáo sư có theo dõi phóng sự 15 phút, phát tối ngày 04 tháng Tám của VTV1 về vụ án hay không?

Việc thông tin một cách chi tiết về một vụ án được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là cần thiết. Nhưng cách thông tin của phóng sự ấy, tôi cho là không ổn.

Nhìn chung, nó nói xấu về đời tư của một người ở trong cuộc, tức là của ông Cù Huy Hà Vũ, nhiều hơn là về lý lẽ để xử ông ta. Và theo tôi, dù là bất kỳ ai, thì mình cũng không thể moi móc về đời tư của họ, hoặc mình nói những điều không liên quan gì đến bản án cả. Tôi không đồng tình. Vì như thế thất lợi nhiều hơn là có lợi.

BBC: Báo Quân Đội Nhân Dân gần đây đăng một số bài, trong đó có một bài so sánh và cho rằng thông tin ở trên các blog và báo chí “lề trái” ở trong nước là “rác rưởi,” ông nhìn nhận như thế nào về cách đặt vấn đề này của tờ báo?

Nói như thế là một cách nói vừa thiếu hiểu biết vừa rất thô lỗ, lạc hậu. Phải nói rằng mạng Internet là một tiến bộ của loài người. Rất nhiều trí thức lớn, rất nhiều nguyên thủ quốc gia có blog. Nếu bây giờ mình gọi tất cả những thông tin ấy là rác rưởi, thì các blog của các nguyên thủ quốc gia có phải là rác rưởi không?
Tôi cho là nói như thế không được. Vả lại những bài báo đó tôi có xem, tôi thấy rằng không có lập luận gì xác đáng cả. Tôi cho đấy là những bài báo đáng xấu hổ.

Cơ cấu đại biểu Quốc hội

BBC: Nay chuyển sang chủ đề về Quốc hội mới, một chủ đề Giáo sư rất quen thuộc, ông bình luận gì về cơ cấu nhân sự của Quốc hội?

Cơ cấu của Quốc hội về cơ bản phản ánh cơ cấu của dân cư. Chuyện về cơ cấu này cũng đã được tính toán kỹ qua các bước hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng quả thật lần này nhìn vào Quốc hội thì thấy số doanh nhân là khá lớn, tức là tới 38 vị. Còn đại diện cho giới văn học, nghệ thuật không có một ai. Một người được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu ra là ông Tổng Thư ký của Liên hiệp ấy cũng không trúng cử.

Tất nhiên, quyền lựa chọn là quyền của dân thôi. Nhưng quả thật, nhìn vào cơ cấu cũng thấy có sự lệch lạc nhất định. Riêng về giới doanh nhân, một khi Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường thì doanh nhân là những nhân vật mới của xã hội. Họ là những người có nhiều đóng góp cho đất nước và do đó họ có quyền được đại diện ở trong cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tức là Quốc hội.
"Về Điều 4, cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào."
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết
Tuy nhiên, việc có nhiều doanh nhân cũng dễ làm cho người dân băn khoăn là: Liệu các doanh nhân này có thực sự công tâm trong những việc bàn thảo quyết định chính sách hay không? Có thực sự đóng được vai trò của người đại diện nhân dân hay không? Hay là trong lúc bàn bạc, thảo luận sẽ thiên lệch về quyền lợi của giới doanh nghiệp hoặc là về doanh nghiệp của mình?

Tôi cho rằng những sự băn khoăn ấy là những nhắc nhở đối với các đại biểu - doanh nhân. Các đại biểu - doanh nhân phải hoạt động như thế nào đó thật sự công tâm để cho người dân thấy mình thật sự vào Quốc hội là để đại diện cho quyền lợi của nhân dân, của đất nước nói chung, chứ không phải cho cái giới của mình hay cho doanh nghiệp của mình.

BBC: Trong nhiệm kỳ mới lần này của Quốc Hội, có một nội dung được quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp, nhất là trong đó có liên quan tới Điều 4. Liệu điều này có được sửa hay không và nếu sửa thì theo Giáo sư nên sửa như thế nào, theo hướng nào?

Tôi nghĩ cái đó là quyền của các vị Đại biểu Khóa XIII này. Tôi bây giờ là cựu Đại biểu rồi, nên tôi chỉ có thể nói suy nghĩ của mình thôi. Tôi cho là lần này sửa được một cách tương đối chu tất, căn bản thì tốt hơn. Vì không phải mỗi khi muốn là chúng ta cũng có thể mang Hiến pháp ra mà sửa được. Đấy là một quá trình rất phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.

Cho nên khi sửa, theo tôi, cũng phải tính toán để sửa làm sao cho Hiến pháp cô đọng, nhưng thể hiện được xu hướng tiến bộ của xã hội.

Còn riêng về Điều 4, tôi cho là cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân người ta cũng biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào. Và thậm chí cũng nên cụ thể hóa bằng một đạo luật, sau khi Hiến pháp đã được sửa.

BBC: Nếu có thể cụ thể hơn nữa, Điều 4 phải được sửa chi tiết ra sao, thưa ông?

Tốt nhất sau này cần cụ thể hóa bằng một đạo luật. Tôi lấy ví dụ: hiện nay có rất nhiều việc ai cũng biết là do Trung ương Đảng quyết định, sau đó thì đưa ra Quốc hội để thể chế hóa nó bằng pháp luật.

"Có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được."
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết

Đại biểu Quốc hội là những người ở trong xã hội do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo và đến 92% các Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản, thì phải chấp hành chủ trương của Đảng.

Nếu như có thể nói cụ thể hơn, tôi lấy ví dụ, có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được, và những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định thì mới được. Tôi nghĩ có quy định một cách rất cụ thể như thế mới có địa chỉ để chịu trách nhiệm về các quyết định. Như thế thì sẽ tốt hơn. Đấy cũng chỉ là một ví dụ thôi.


Thi hành luật

BBC: Những đạo luật, bộ luật hoặc công việc luật pháp nào kỳ này cần được ưu tiên xây dựng, ban hành và công bố, theo Giáo sư?

Nếu nói về hệ thống pháp luật, theo tôi cho đến nay tương đối là đầy đủ. Còn về các quy định của luật cũng đã có những quy định cụ thể, nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung. Trong quá trình xem xét các đạo luật sắp tới, cũng phải sửa làm sao để cho các quy định của luật cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn.

Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc thi hành luật. Vì thực ra cái yếu nhất ở Việt Nam không phải là thiếu các quy định về pháp luật mà là quy trình, quá trình thi hành luật không được nghiêm túc.

Thứ nhất, nhiều khi luật đã ra rồi, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, tức là các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ lại chưa kịp ra, thì luật ấy chưa thi hành được. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Vì luật đã ra rồi, đến thời hạn có hiệu lực pháp luật rồi, thì phải được thi hành. Và lúc ấy phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, còn nếu không, cứ theo luật mà thi hành.

Thứ hai, kể cả khi có nghị định, thông tư rồi, thì việc thi hành luật cũng không được nghiêm chỉnh. Và những người vi phạm luật không phải lúc nào cũng phải chịu chế tài theo đúng quy định của luật. Tôi cho rằng nếu pháp luật đã được ban hành rồi mà không thực thi nó một cách nghiêm chỉnh, dần dần nó sẽ bào mòn thể chế của Nhà nước đi. Và như thế không đảm bảo được sự điều hành của Nhà nước và không đảm bảo được quyền dân chủ của người dân. Đấy là điều đáng quan tâm hơn.

BBC: Là người trực tiếp tham gia nhiều hoạt động và công việc của Quốc hội trong một thời gian dài qua các khóa trước, ông có thể so sánh thế nào về sự lãnh đạo qua các nhiệm kỳ liên quan tới các vị cựu Chủ tịch Quốc hội?

Về cảm tình cá nhân, có thể nói tôi rất có cảm tình với cách điều hành của ông Chủ tịch Nguyễn Văn An. Ông An rất sắc sảo và rất linh hoạt, thường ông cũng rất hay có những ý kiến chêm vào các buổi thảo luận và chất vấn. Những ý kiến đó rất xác đáng. Và qua các ý kiến của ông An, Đại biểu Quốc hội cũng học hỏi được rất nhiều.

Thế còn các vị khác, mỗi người một phong cách. Theo tôi, phong cách của ông Chủ tịch là điều đáng để ý, nhưng thực sự nó không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội lắm đâu. Quan trọng là bản thân các Đại biểu như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như là Khóa XI, Chủ tịch Nguyễn Văn An là một vị Chủ tịch rất sắc sảo, năng động. Nhưng người dân có vẻ đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XII cao hơn. Và tôi nghĩ người ta đánh giá cao hơn cũng có lý. Bởi vì khóa sau rút được kinh nghiệm thì phải làm tốt hơn khóa trước. Một số kinh nghiệm mà các đại biểu đã được ông Chủ tịch Quốc hội khóa trước là Nguyễn Văn An huấn luyện, có thể đến khóa sau mới được vận dụng. Đấy cũng là những điều đóng góp làm cho khóa sau tốt hơn.

Tóm lại, tôi cho rằng mỗi vị lãnh đạo có phong cách riêng của mình. Nhưng quan trọng nhất là các đại biểu hoạt động như thế nào và tôi cũng mong là Quốc hội Khóa XIII này sẽ có một bước tiến xa hơn trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình trước người dân.

Nguồn: BBC Tiếng Việt.
Đọc toàn bài!

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

ÔNG HỒ CƯƠNG QUYẾT(ANDRE MENRAS) GỬI VTV1

Hồ Cương Quyết là tên Việt của Andre Marcel Menras - một trong hai người Pháp công khai phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN trước trụ sở quốc hội chính quyền Sài Gòn vào giữa trưa ngày 25.7.1970.
Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam  gần 3 năm trong khám Chí Hoà. 1.1.1973  được thả, bị trục xuất ngay về Pháp. "Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" - cuốn sách cả hai viết trong 11 ngày được xuất bản tại Pháp tháng 5.1973. Năm 2009 ông chính thức nhập tịch Việt Nam.
Gửi quý vị lãnh đạo VTV1,

Khi đọc Bauxite Việt Nam trên mạng, tôi vừa biết được bản tuyên bố làm đau lòng người vừa phát trên VTV1, là một kênh thông tin truyền hình chính của cả nước. Một trong những thông tin của bản tuyên bố này đề cập đến những trang thông tin “phản động” trên mạng, trong đó có Bauxite Việt Nam, trang mạng đã cố gắng đăng những bài báo phản ánh, phân tích, bình luận về những vấn đề thời sự mà VTV1 tránh không nói đến. Trái với VTV1, Bauxite Việt Nam giành quyền phát ngôn cho những người yêu nước chứ không bịt miệng họ lại hoặc bóp méo thông tin.

Thật đáng buồn cho các phóng viên của đài VTV1 chỉ có thể nói những gì đã được cấp trên của họ “xào nấu” trước. Có phải nếu không làm, họ sẽ bị đẩy ra đường, không còn việc làm, không còn thẻ phóng viên, mà có khi còn bị công an đe dọa? Và cũng thật đáng buồn cho những nhà lãnh đạo kia vẫn đang không hiểu rằng họ đang tự mình chạy nước rút đến chân tường không còn cách gì tránh khỏi. Càng bịt tai lại để không phải nghe, người ta dần dần trở thành điếc, và điếc là một bệnh làm cho người ta trở thành cô độc. Cũng thật đáng buồn cho nhân dân Việt Nam đang, hơn bao giờ hết cần được biết những thông tin trung thực và bị bắt buộc phải đặt lòng tin của mình ở nơi khác.

Tôi tự cảm thấy có liên quan trực tiếp đối với cuộc tấn công công khai của VTV1 đối với những người đã ký tên trong các Bản Tuyên cáo và Kiến nghị trên các trang mạng. Tôi tự thấy có liên quan vì tôi đã ký tên vào các văn bản chống lại việc khai thác quặng bôxít và độc quyền ở Tây Nguyên chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh. Như Đại tướng vô cùng kính mến Võ Nguyên Giáp đã viết, tôi hoàn toàn xác tín rằng giao Tây Nguyên cho những công ty của Trung Quốc là một việc làm nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia, ảnh hưởng rất xấu cho nền kinh tế nước nhà, phá hoại môi trường thiên nhiên, xã hội và chính trị. Tôi cũng tự thấy mình có liên quan với tư cách là người đã ký tên trong kiến nghị yêu cầu trả tự do tức khắc cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, người đã dũng cảm khước từ bạo lực mà trái lại, đã đấu tranh đòi chấm dứt bạo lực đang đi ngược lại luật pháp, đi ngược lại quyền công dân, đi ngược lại nền dân chủ, đi ngược lại sự phát triển của đất nước… Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là nạn nhân của một âm mưu ngay từ đầu mang màu sắc công an tệ hại, không xứng đáng đối với một nước văn minh.

Tôi còn thấy có liên quan đến lời thóa mạ của VTV1 vì, với tư cách của một người đã ký tên vào bản Kiến nghị vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển của Đất nước, tôi khẳng định rằng nước Việt Nam sẽ không bao giờ tự bảo vệ và hiện đại hóa mình mà không cần sự tham gia trực tiếp của toàn dân cũng như sự giám sát của toàn dân trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của dân tộc. Tôi nghĩ đó chính là mục tiêu của bản Kiến nghị thứ ba.

Cuối cùng, tôi tự thấy có liên quan đến những lời chỉ trích của VTV1 vì tôi là “cộng tác viên” không thường xuyên của trang mạng Bauxit Việt Nam – trang mạng đã cho phép tôi đăng những bài viết của mình khi tôi không còn hy vọng rằng những trang báo chính thức như VTV1 chấp nhận.

Chính vì vậy, tôi tự thấy nhiệm vụ phải trả lời lại những điều vu khống tệ hại của VTV1 khi họ tuyên bố rằng những người ký tên vào các văn bản đó đã bị lợi dụng, khai thác cho những ý đồ “phản động” đen tối.

Xin hãy rõ ràng và quân tử trong vấn đề này: đối với riêng tôi, tôi chỉ ký tên vào 3 bản kiến nghị này sau khi đã nghiên cứu tất cả các tài liệu liên quan và sau khi đã suy nghĩ thật kỹ càng và hoàn toàn nhất trí với nội dung của cả ba bản. Trong ba lần ký tên ấy, chưa có ai lợi dụng tôi và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về ba chữ ký của mình. Và nếu như vô tình tên của tôi nằm cạnh tên của một vài người không đồng chính kiến với tôi trong một số vấn đề khác thì điều đó cũng không hề cản trở việc nói rõ quan điểm của mình, thậm chí đôi khi đấu tranh với những quan điểm khác biệt giữa tôi và họ. Điều đó cũng không hề cản trở tôi nói rõ quan điểm của mình và khẳng định giá trị của chính mình trong những khoảng eo hẹp còn được giành cho tôi.

Tôi hoàn toàn không lập luận giống các ông, vì lập luận của các ông là những ai không đi cùng với các ông là chống lại các ông và cần phải tiêu diệt. Xin các ông đừng nhầm lẫn! Nhất là xin các ông – những người thiếu thông tin, hoặc là những người bóp méo thông tin, xin các ông đừng tin rằng các ông có thể bắt tôi im lặng bằng cách tung danh sách “những người phản cách mạng” trong đó có tên của tôi trước hàng ngũ các bạn của tôi. Đã từ lâu, tôi đã có ý nghĩ này nhưng tôi đã cố gắng tự kềm chế. Các ông đã vượt qua cái ngưỡng có thể chấp nhận được.

Để trở lại một cách cụ thể với VTV1, tôi có thể kể với các bạn độc giả những lần chính tôi là nạn nhân của chế độ kiểm duyệt đen tối của kênh truyền hình này, những lần mà người ta yêu cầu tôi làm dịu lại những tuyên bố của mình, hoặc nói ngược lại. Tôi chỉ xin kể một ví dụ điển hình: vào dịp tết năm 2006, tôi có dự một cuộc họp mặt lớn tại thành phố Hồ Chí Minh với các bạn tù chính trị của tôi thời chế độ cũ. Lúc ấy, VTV1 có mặt và đã mời tôi đến đường Nguyễn Huệ, lúc đó đang được biến thành đường hoa, để tôi có lời chúc Tết trực tiếp với người dân Việt Nam. Tất nhiên là tôi cảm thấy rất vinh dự với lời mời này. Trong đoạn phát biểu ngắn, tôi dự định gửi lời chúc tốt đẹp nhất của mình đối với nhân dân VN. Đặc biệt, tôi tha thiết muốn gởi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người tù chính trị năm nào mà một số đã lớn tuổi, và lời chúc đến những người chiến sĩ trẻ đang bảo vệ Tổ quốc tại Trường Sa đã phải đón cái tết xa nhà, xa tất cả những người thân. Đau khổ thay, tôi không được gửi lời chúc của tôi đến các cựu tù chính trị cũng như đến các chiến sỉ trẻ Trường Sa vì người ta giải thích cho tôi, đó là “một vấn đề nhạy cảm” trong lúc đó.

Xin các ông hãy thứ lỗi cho tôi, nhưng vì hôm nay các ông đã đi xa hơn nữa bằng cách thóa mạ công khai với những đe dọa ngầm, thì tôi cũng xin đành nói trắng sự thật ra rằng kênh truyền hình của các ông hoạt động giống như một kênh truyền hình của những con két đang run sợ. Vì sợ những người sếp, các ông cuối cùng phải chấp nhận những thông tin họ đã mớm cho thay vì các thông tin trung thực và chân thật mà người công dân đóng thuế có đủ thông minh tự mình phân tích và đánh giá. Đây là một sự đánh cướp thông tin thường trực!

May sao còn có internet, dù các bẫy giăng ra đầy rẫy!

May sao, để giữ gìn tự do ngôn luận tối thiểu, nhiều nhóm người yêu nước đã tự nguyện bỏ thời gian, nghị lực, tiền bạc và sức khỏe của họ để duy trì sự sống của dòng thông tin nhân dân, mặc cho những tấn công liên tục của bọn tin tặc mà không ai không biết chúng làm việc cho ai (hoặc ai trả lương cho chúng).

Nhân đây xin chân thành cám ơn lòng can đảm và sự kiên trì của nhóm Bauxite Việt Nam. Tôi khẳng định rằng đó là một trang mạng yêu nước và tiến bộ. Một ông Bộ trưởng Thông tin chân chính sẽ có thể tặng cho họ huân chương Báo chí!

A.M. H.C.Q.

Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐA ĐẢNG CÓ TIẾN BỘ?

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã phát biểu trước hội đồng xét xử phúc thẩm:
“Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước.”
Tôi chia sẻ và ủng hộ quan điểm này của tiến sĩ Vũ. Sau đây tôi đặt ra một số câu hỏi và tự trả lời cũng như lý giải cho các câu hỏi ấy:
1/ Công dân Việt Nam có quyền kiến nghị về việc xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng không?

Theo Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định tại Điều 69 “công dân có quyền lập hội” và tại Điều 50 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị,… được tôn trọng,..” điều này được hiểu rằng các quyền con người về chính trị như quyền tham gia đảng phái, tổ chức chính trị hoặc quyền thành lập đảng phái, tổ chức chính trị được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ.

Tại Điều 52 qui định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.” điều này được hiểu là công dân Việt nam dù là đảng viên đảng cộng sản hay là đảng viên của một đảng khác hay không theo một đảng phái nào thì đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Pháp luật không trao một đặc quyền nào cho những công dân là đảng viên đảng cộng sản. Và pháp luật cũng không tước đi một quyền nào của những công dân theo đảng phái khác hay không theo đảng phái.

Điều 53 qui định “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước,” và Điều 69 qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận” qua hai Điều này được hiểu là công dân Việt Nam có quyền được tự do bày tỏ hay thảo luận các vấn đề có liên quan đến chính trị hay cải cách chính trị, cải cách dân chủ mà Nhà nước đang đề cập đến, đồng thời cũng có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước về những điều mong muốn của mình.

Hiện nay, Nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đang kêu gọi cải cách hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội. Mà công cuộc cải cách dân chủ phải bắt đầu từ hai phía đảng cầm quyền và người dân. Đồng thời các đảng phái đối lập là một thành phần cần thiết của tiến trình dân chủ.

Bởi vậy, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có quyền đề cập hay kiến nghị xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Điều này phù hợp với Hiến pháp cũng như thực tiễn của tiến trình dân chủ hóa đất nước.

2/ Kiến nghị xây dựng hệ thống chính trị đa đảng có phải là chống lại đảng cộng sản Việt Nam không? Có vi phạm Điều 4 Hiến pháp không?

Để cho một hệ thống chính trị của một quốc gia được hoạt động hiệu quả và lành mạnh đem lại quyền lực thực sự cho nhân dân thì trong hệ thống chính trị ấy phải có sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các đảng phái chính trị.

Trước năm 1989 ở Việt Nam đã tồn tại một hệ thống chính trị đa đảng cho dù không sảy ra tình trạng cạnh tranh về quyền lực giữa đảng cộng sản và đảng dân chủ, đảng xã hội.

Ngày nay, đảng cộng sản Việt Nam với gần 4 triệu đảng viên, có hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương.

Đảng cộng sản với đội ngũ đảng viên có trình độ cao và kinh nghiệm hơn 80 năm tồn tại và hoạt động, cho dù có thêm những đảng phái chính trị khác được thành lập và hoạt động thì họ cũng không phải là đối thủ của đảng cộng sản, nhưng nó lại là cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Đảng cộng sản không nên coi các đảng phái chính trị đối lập là kẻ thù của mình mà nên coi họ như một chất xúc tác giúp cho đảng cộng sản có ý thức và động lực để nhìn lại mình, hoàn thiện chính mình giúp cho đảng cộng sản có thể duy trì được sự ủng hộ của nhân dân.

Đồng thời việc thành lập các đảng phái chính trị đối lập không phải là để chống lại đảng cộng sản mà quá trình phát triển tự nhiên và tất yếu của xã hội Việt Nam.

Nhưng họ sẽ là sự thử thách đối với bản lĩnh, trình độ và kinh nghiệm của đảng cộng sản, giúp cho đảng cộng sản nỗ lực hơn, sáng tạo hơn trong việc lãnh đất nước. Và do vậy nhân dân và đất nước sẽ được hưởng lợi và đảng cộng sản cũng trở nên mạnh mẽ hơn.

Như vậy bất kể công dân Việt Nam nào mà kiến nghị việc xây dựng hệ thống chính trị đa đảng hay đứng ra thành đảng không phải là chống lại đảng cộng sản Việt Nam mà chính là đang giúp cho đảng cộng sản dân chủ hơn và mạnh mẽ hơn. Và do vậy việc làm đó cũng không vi phạm Điều 4 Hiến pháp.

3/ Xây dựng hệ thống chính trị đa đảng sẽ đem lại lợi ích gì?

Các đảng phái đối lập là một thành phần cần thiết và bắt buộc phải có của tiến trình dân chủ. Sự cạnh tranh và sự giám sát giữa các đảng phái sẽ giúp cho hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, nhân dân có quyền trong sự lựa chọn của mình dành cho các đảng phái.

Điều này giúp cho đảng cộng sản cầm quyền cũng như các đảng phái khác phát huy hết khả năng, trí tuệ để phục vụ nhân dân và đất nước. Sự giám sát giữa các đảng chính trị sẽ chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Đảng cộng sản cầm quyền sẽ phải dân chủ hóa trong nội bộ của mình để lựa chọn những đảng viên ưu tú, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và kinh nghiệm để tham gia chính quyền các cấp, đồng thời loại bỏ được những đảng viên yếu kém về phẩm chất đạo đức và năng lực, đảng viên cơ hội.

Những điều này sẽ mang lại sức mạnh và uy tín cho đảng cộng sản, duy trì được sự ủng hộ của nhân dân với họ.

Xây dựng hệ thống chính trị đa đảng sẽ xóa bỏ đi sự khác biệt về chính trị giữa Việt Nam với các nước dân chủ, văn minh trên thế giới. Giúp cho đất nước chúng ta có thể hội nhập một cách toàn diện với cộng đồng quốc tế.

Từ đó chúng ta có thể xây được các mối quan hệ đồng minh với các cường quốc, nhằm giúp cho sự phát triển kinh tế, thương mại, hợp tác an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Như vậy khi xây dựng hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam, tất cả mọi người dân, đất nước và đảng cộng sản đều được lợi và tất cả đều chiến thắng.

Tóm lại trong bài viết ngắn ngủi này tôi chưa thể trình bày hết được những vấn đề xung quanh việc xây dựng hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Tôi sẽ trình bày thêm ở các bài viết khác về vấn đề này.

Trong bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ và ủng hộ quan điểm của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về vấn đề này. Tôi mong muốn và ước ao nhận được sự chia sẻ đồng tình cũng như phản đối của các quí vị độc giả về bài viết này của tôi.

Bài viết phản ánh ý kiến cá nhân của tác giả, một người đấu tranh dân chủ ở Hà Nội.

Theo BBC Tiếng Việt
Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

THÁNG 8 VỀ - NHỚ CỤ TẢN ĐÀ QUÁ!

MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi

Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

THƠ RƯỢU

Đời người như giấc chiêm bao
Nghìn xưa đã mấy ai nào trăm năm
Một đoàn lao lực lao tâm
Quí chi chữ thọ mà lăm sống nhiều!
Có tiền chưa dễ mà tiêu
Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây

Thương ai cho bận lòng đây
Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ
Cảnh đời gió gió mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn!
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ, giọng cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?

Đọc toàn bài!

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

TA ĐÃ THẤY GÌ TRONG HÔM NAY - 2/8?

Hồi tiến sỹ họ Cù xuất hiện với những tuyên bố, việc làm “không giống ai” khi đó mình chỉ thấy ngồ ngộ. Sau đó anh Vũ không dừng lại mà dấn thêm những việc “động trời” chưa từng có ở nước ta: kiện các quan chức, thậm chí kiện cả Thủ tướng…

Lúc đó mình không còn nhìn anh ấy ngồ ngộ như trước nữa mà bắt đầu để ý, quan tâm. Nhiều người bảo anh Vũ “đội đá vá trời”, hoặc “ném đá ao bèo”, tức là làm những việc vô nghĩa cực…Nhưng rồi có ngày mình chợt hiểu, anh ấy không ảo tưởng đến mức việc kiện cáo của anh ấy được đáp ứng. Anh ấy chỉ muốn dạy cho người dân về quyền lợi công dân chưa từng được dùng đến, chưa từng biết cách sử dụng, chưa từng ý thức là được phép…Bao thế hệ người Việt đã sống mà không hề tư duy, trăn trở: Chúng ta có quyền gì? Chúng ta được phép làm gì? Sống bao năm người dân không dám làm những việc ngay cả khi nguyện vọng, luật pháp cho phép…Thương thay!

Nghĩ đến Đất nước mình ngổn ngang bao điều trớ trêu, ngang trái, uất ức, đau khổ…Sao mãi trầm luân thế này hả Việt Nam?
- Sa mạc hóa Trí tuệ của người dân.
- Thu hồi Lòng yêu nước, giải tỏa Cái thiện, xây dựng các chung cư Tăm tối, Lạc hậu, Tham nhũng, Bệ rạc…để nhốt cả Dân tộc vào đó.
- Tính khả thi của các dự án “Xây dựng xã hội Công bằng, Văn minh, Phát triển” ngày càng xa vời…
Bao giờ Ta đi về cùng con đường của thời đại? Bao giờ Ta hít thở hơi thở của thời đại? Bao giờ Ta được uống dòng nước ngọt ngào của thời đại? Bao giờ trên đầu Ta là bầu trời xanh mênh mông không ranh giới của hệ ý thức, chỉ có Tính người cao cả, nhân văn? Bao giờ…



Hãy ghi lại ngày hôm nay, 2/8/2011, để nhớ bài học mà tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã dạy cho chúng ta bằng chính Tự do của Anh.

Cầu mong tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ở trong kia luôn giữ vững niềm tin về tương lai của Dân tộc và Lý tưởng anh đã chọn.

Cầu mong tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vượt qua bệnh tật để chờ ngày đoàn tụ cùng Gia đình, Bạn bè, Nhân dân, Tổ quốc.
Cầu mong Đức Phật gia hộ cho Anh mọi sự an lành.


Tác giả: Thùy Linh

Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

"CÙNG NGƯ DÂN BÁM BIỂN"

Từ hàng ngàn năm nay, Biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
Trên vùng biển ấy, những người ngư dân, hàng ngày đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mình tận tuỵ làm ăn và giữ gìn như một không gian sinh tồn không thể thiếu của các dân tộc Việt Nam. Có thể nói, sự hiện diện của khối đồng bào ấy, trong truyền thống lên rừng, xuống biển của tổ tiên chúng ta, cũng là sự khẳng định vị thế chủ quyền của nước ta trên biển.

Các thế hệ ngư dân Việt Nam một mặt phải chống chọi thường xuyên với giặc trời, mặt khác nhiều phen họ còn phải đối mặt hết sức nguy hiểm với giặc nước là thế lực ngoại bang tham lam xâm phạm vùng biển của chúng ta, đe doạ, phá nhiễu, thậm chí là cướp bóc đời sống hoà bình, ổn định và thành quả lao động vất vả của đồng bào ta. Trong hoàn cảnh đó, với ý chí mạnh mẽ của truyền thống yêu nước, thương nhà, bà con ngư dân vẫn kiên trì bám trụ trên biển, bằng lao động khó nhọc của mình, lớp cha trước, lớp con sau, đời nối đời, chấp nhận hy sinh, mất mát giữ gìn vững chắc chủ quyền tổ quốc trên biển.

Nhưng so công sức và sự hy sinh to lớn ấy, có thể nói, đời sống đồng bào ta trên biển còn nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Gần đây, ngư dân ta trong việc làm ăn, sinh sống trên biển lại càng gặp nhiều khó khăn, khi mà mức độ thiên tai nhiều hơn, nhất là, vùng biển bạc thiêng liêng ấy nhiều lần bị Trung Quốc xâm phạm, đưa cả tàu to, lực lượng chuyên nghiệp vào uy hiếp, cướp bóc trắng trợn. Nhiều phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, các ngư trường truyền thống của ngư dân ta bị cướp phá. Cộng thêm vào đó, trong điều kiện thiếu thốn về kỹ năng và tri thức hội nhập, nhiều ngư dân ta cũng bị thiệt hại trong các tranh chấp trên biển.

Trước tình cảnh này, nhiều nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân đã được thể hiện để chia sẻ, góp sức thiết thực cùng bà con ngư dân vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển chiến lược biển, củng cố và bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, đặc biệt là chăm lo cho đời sống của ngư dân.

Nhằm góp sức cùng với những nỗ lực phong phú của các tầng lớp nhân dân, theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và của đông đảo bạn đọc, báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – tổ chức của những nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – tổ chức của những doanh nghiệp và doanh nhân ưu tú và quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) phát động chương trình Cùng ngư dân bám biển.

Chương trình là một hoạt động xã hội tự nguyện nhằm chăm lo cho đời sống bà con ngư dân, nhất là bà con ngư dân vùng biển xa, cổ vũ thiết thực, nâng cao ý chí và trách nhiệm xã hội góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc. Chương trình là một cam kết trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bằng nét đẹp của truyền thống đồng bào Việt Nam yêu nước, thương nhà. Chương trình được tổ chức dài hạn, theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch.

Chương trình có các nội dung hoạt động như sau:

1. Hỗ trợ tài chính cho ngư dân khôi phục sinh kế và bảo đảm an toàn nghề biển: đóng góp tài chính để cho bà con ngư dân gặp nạn vay với lãi suất ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất; mua bảo hiểm tài sản, sinh mạng cho ngư dân. Chương trình phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông địa phương và cộng đồng ngư dân giới thiệu tuyển chọn đối tượng được hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng xúc tiến thủ tục giải ngân, chi trả.

2. Chăm lo sức khoẻ, dinh dưỡng và việc học cho con em bà con ngư dân, trước mắt tập trung vùng đảo xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động thăm viếng tặng quà cho đối tượng này. Xây dựng học bổng giúp hỗ trợ con em ngư dân theo đuổi việc học. Tài trợ cho giáo viên, nhân viên y tế phục vụ bà con đảo xa. Xây dựng học bổng khuyến khích thanh niên theo học các nghề khai thác biển.

3. Phối hợp cùng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) xây dựng đội cứu hộ tự quản phục vụ bà con ngư dân hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa (mua sắm tàu, phương tiện, địa phương tổ chức lực lượng tự quản nhằm ứng cứu tai nạn trên biển).

4. Cung cấp thông tin, kiến thức pháp lý, huấn luyện kỹ năng bảo đảm hoạt động an toàn trên biển.

5. Đưa hàng Việt Nam về với ngư dân.

Trước mắt, chương trình sẽ triển khai trên địa bàn bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó, rút kinh nghiệm và triển khai tiếp trên các địa bàn khác. Chương trình dự kiến sẽ khởi động các hoạt động từ ngày 25. 6.2011.

Đây là một chương trình dài hạn có ban chỉ đạo là lãnh đạo báo, hội, câu lạc bộ và quỹ EDF và ban điều hành hoạt động thường xuyên, sử dụng tài khoản của quỹ EDF và báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Với mong muốn được góp một phần tấm lòng và công sức nhằm biểu thị tinh thần yêu nước, đóng góp củng cố niềm tin để đồng bào ngư dân kiên trì bám biển, cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn, ban tổ chức chương trình rất hạnh phúc khi tiếp nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và đóng góp thiết thực của quý vị.

Cùng ngư dân bám biển là một hành động thiết thực khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vốn là ý thức thiêng liêng, không dễ gì lay chuyển của các tầng lớp đồng bào ta.

Trân trọng cảm ơn
ĐẶT MUA ÁO THUN ỦNG HỘ NGƯ DÂN:
KÍCH VÀO ĐÂY

Đọc toàn bài!

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

THƯ THỨ 2 GỬI ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH, GĐ CÔNG AN TP HÀ NỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——*——
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011

Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Nhanh
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

1.Chúng tôi những người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ghi nhận và hoan nghênh Công an thành phố Hà Nội (CATPHN) đã không sử dụng vũ lực đối với người tham gia biểu tình yêu nước trong buổi sáng Chủ nhật 24/7/2011 vừa qua.

2.Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc một số nhân viên an ninh đã ngấm ngầm hoặc công khai gây phiền nhiễu sinh hoạt bình thường của một số công dân nhằm ngăn cản họ thực hiện quyền biểu tình được Hiến pháp quy định.

3. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra trong hai cuộc biểu tình tự phát gần đây đã bị CATPHN trấn áp, đặc biệt là cuộc biểu tình diễn ra sáng ngày 17/07/2011. Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Giám đốc CATPHN trả lời trước công luận về mấy nội dung sau:

a. Căn cứ theo quy định nào của Pháp luật, CATPHN đã bắt giữ người mà không có lệnh hợp pháp trong cuộc biểu tình ngày 17/07/2011 (ít nhất 46 người).

b. Bức ảnh bốn Công an “khiêng” một công dân trong cuộc biểu tình trên đã được nhiều hãng thông tấn Quốc tế truyền tin khắp thế giới. Công dân này bị “khiêng” đến một chiếc xe buýt và một nhân viên an ninh mặc thường phục trên xe buýt đã dùng chân đạp vào mặt, miệng công dân đó nhiều lần. Video Clip về cảnh này cũng được truyền khắp trên Internet.

Hiện nay, quần chúng nhân dân đã xác định được danh tính của nhân viên an ninh trong video clip nói trên là Minh, đội phó đội an ninh, công an quận Hoàn Kiếm.

Chúng tôi đề nghị Ông chỉ đạo xác minh thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sai thì công bố để không ảnh hưởng đến uy tín của CA TPHN. Nếu việc xác định của nhân dân là đúng thì anh Minh có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự). Hành vi của anh Minh thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, cụ thể: anh Minh, 1) Là người có chức vụ, quyền hạn; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vũ lực trái công vụ, gây thiệt hại về thể chất và nhân phẩm cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân; 3) Phạm tội với lỗi cố ý, với động cơ coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, chà đạp, cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Minh phạm tội với hai tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d và điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.

Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Sự tha thứ cao thượng của người bị hại (nếu có) đối với người phạm tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải là lý do để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Nếu Ông không giải quyết sớm văn thư này, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cấp cao hơn sẽ xử lý cá nhân anh Minh và những vị lãnh đạo khác có liên quan của Công an Quận Hoàn Kiếm và CA TPHN.

Kính chào Ông!

Những công dân Việt Nam tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông tại Hà Nội ký tên:
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Duy Hiển
Nguyễn Nguyên Bình
Chu Hảo
Trần Nhương
Phạm Xuân Nguyên
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Trần Kỳ Trung
Nguyễn Xuân Diện
Lê Dũng
Nguyễn Tiến Nam
Hoàng Cường
Đặng Bích Phượng









Nguồn: Anh Ba Sàm
Đọc toàn bài!

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

XIN ĐỪNG ĐẠI DIỆN CHO NHÂN DÂN CHÚNG TÔI

Xin chúc mừng tân chủ tịch Quốc Hội ông Nguyễn Sinh Hùng, tân Chủ Tịch Nước, tân Thủ Tướng...!
      500 đại biểu đáng kính "đại diện" cho nhân dân khắp các vùng miền trên cả nước nô nức lai kinh, tụ hội về Thăng Long ngàn năm văn hiến để "lo toan" việc nước. Thật tiếc thay... Nhân dân chúng tôi chỉ thấy hình ảnh của một nông trại lớn.
Hình chỉ mang tính minh họa
Xin đừng nhận là đại diện cho nhân dân chúng tôi nhé! Quý vị chỉ có thể đi trên một con đường đã được vạch vôi từ trước. Cũng chẵng biết nó sẽ dẫn tới đâu?
Đọc toàn bài!

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

"LÁ GAN NGHỊ SĨ"

       "Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế, khi Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các Nghị quyết về một vùng biển, cách họ nửa bán cầu, thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là: "Liệu Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự?". Câu hỏi này đáng lẽ là thừa. Thừa nhưng lại là cần thiết, khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền, liên tục bác bỏ sự tồn tại, trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng"...
-----------------------------------
Điều gì mà nhân dân quan tâm khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (QH) Khoá XIII khai mạc. Nhân sự cao cấp?. Không!. QH chưa khai mạc, nhưng danh sách từ "Tứ trụ Triều đình", mười mấy vị Bộ trưởng đã được "Thông tấn xã Vỉa hè" (TTXVH) loan tin từ trước (dù đây là câu chuyện “Mật của Mật”).

Cứ theo thông lệ Việt Nam mình, thì tin TTXVH trúng đến 99,99%. Không có gì khó hiểu, khi QH thực chất chỉ quyết theo những gì Trung ương đã quyết, chẳng bao giờ sai được. Có ai đó muốn hỏi Trung ương là ai thì xin xem lại Điều 4 của Hiến pháp.


Nhân sự là câu chuyện không thuộc về dân chúng. Ai! Ở đâu!... - Cũng là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng có 2 vấn đề QH không thể không bàn đến (tất nhiên nếu còn tồn tại thực sự, với nghĩa là "Cơ quan dân cử" và các "Nghị sĩ là đại diện cho nhân dân"). Đó là lạm phát và vấn đề chủ quyền Biển đảo.

Có lẽ, Chính phủ giờ rất dễ... văng tục, khi có bất cứ ai đó nói tới bất cứ gì đó liên quan đến Lạm phát. Chẳng hạn, có bị chất vấn thì thế nào cũng “Nguyên nhân là câu chuyện khách quan. Phía trước là tương lai tươi sáng”... Sáng đến đâu chưa biết, nhưng 1 thực tế không thể chối cãi, là lạm phát 6 tháng đã gấp đôi chỉ tiêu. Những con số rất... khó tiêu này, lại cần phải được đặt trong bối cảnh là đã 6 năm qua, lạm phát liên tục ở mức 11-12%. Chỉ tiêu có ý nghĩa gì?. Nghị quyết cuối cùng là để làm gì?. Khi lạm phát biến tiền lương thành giấy vụn và các con số nghèo đói, bần cùng hoá ngày càng tăng lên.

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, trong bài trả lời báo chí cách đây 2 tuần đã khẳng định rằng: "Lạm phát, nói cho cùng, không phải là vì nền kinh tế nhỏ bé, mà là do điều hành". Sẽ rất khó nghe nếu dung từ... bất lực. Nhưng thực tế là, Chính phủ đã... bất lực trước lạm phát. Một sự... bất lực đã kéo dài trong suốt thời kỳ... mãn dục 6 năm qua.


Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế, khi Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các Nghị quyết về 1 vùng biển cách họ nửa bán cầu, thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là: "Liệu QH Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn Nghị sự". Câu hỏi này đáng lẽ là thừa.

Thừa nhưng lại là cần thiết, khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền, liên tục bác bỏ sự tồn tại trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng. Hôm qua, ông Vũ Mão, nguyên một Quan chức cấp cao của QH cho rằng: Đưa vấn đề Biển Đông ra trước QH là việc làm “cần thiết”, “đúng đắn”, và “như vậy mới đảm bảo tính kịp thời”. Ông Mão cũng cho rằng: “Sản phẩm phải là 1 Nghị quyết”. 1 Nghị quyết để các Nghị sĩ có thể ngẩng cao đầu. 1 Nghị quyết để nhân dân hiểu được trách nhiệm và thái độ của QH, trước 1 vấn đề hệ trọng của đất nước.


Nhưng (vẫn phải viết ra 1 chữ "nhưng"), nhiều khả năng Chính phủ sẽ chỉ có 1 "Báo cáo về Công tác Bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, liên quan đến tình hình biển Đông", để “các Đại biểu QH tự nghiên cứu”.

Sẽ lại là một nụ cười đồng loã với lạm phát?. Sẽ lại là sự trật tự trong im lặng với tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn?... - Điều này phụ thuộc vào lá gan của các Nghị sĩ, dù quyền miễn trừ đối với những phát biểu công khai trên Nghị trường, vẫn là bất biến. Một QH thực sự xưng là "đại diện", không thể lảng tránh những vấn đề người dân quan tâm.


Trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược (hồi cuối tháng 5/2011), đã xuất hiện hình ảnh của ông Huỳnh Tấn Mẫn. Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫn - 1 biểu tượng cho "Phong trào Học sinh sinh viên", dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, người 11 lần ra toà, 6 năm trong lao tù.

Trong "Hồi ký không tên" của Lý Quý Chung (Chánh Trinh), Dân biểu đối lập Nghị viện Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin có nói đến cuộc trao đổi tù binh tại phi trường Lộc Ninh: Tù nhân sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, một người Cộng sản, đã từ chối việc trao trả anh cho Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam với lý do anh không phải là người của Mặt trận.

Từ chối tự do để tiếp tục ở lại (dù ngay sau đó bị đưa trở lại nhà giam), để đấu tranh cho hoà bình, cho dân tộc. Một con người như thế, giờ nếu “xuống đường”, cũng chỉ là vì ông tiếp tục lý tưởng, mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời.

Trong bài phỏng vấn ông Vũ Mão, có 1 câu hỏi về việc “người dân muốn về bày tỏ thái độ trước vấn đề chủ quyền ở Biển Đông với các hình thức như thời gian gần đây”. Ông Mão nói thẳng quan điểm cá nhân: "Các cấp lãnh đạo cần phải trân trọng lòng yêu nước của người dân. Cần phải có nơi để người dân bày tỏ".

Thiếu sót nhất trong bài phỏng vấn, được đăng tải trên tờ Dân Việt (1 thiếu sót, dù biết nhưng không thể không chấp nhận), là một chữ “Nguyên”. Ông Mão trả lời với tư cách “Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội".Nguyên nhân là tại... LÁ GAN.

Nguồn: Đào Tuấn Blog(trình bày: Mai Thanh Hải Blog
Đọc toàn bài!